Thursday, November 17, 2011

Vì sao châu Á cần có Hoa Kỳ?

LS Vũ Đức Khanh  

Gửi tới BBC từ Ottawa, Canada



Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại Thái Bình Dương đón trực thăng của Nhật hạ cánh
Hoa Kỳ vẫn đang có liên minh quân sự truyền thống với Nhật Bản

Có giả thuyết cho rằng độ ít năm nữa một liên minh quân sự mới sẽ hình thành tại Thái Bình Dương có tên là Tổ Chức Phòng Thủ Châu Á -Thái Bình Dương gọi tắt là APTO (Asia-Pacific Treaty Organization). Đây là một Liên minh An ninh Quốc phòng Thái Bình Dương.
Và theo giả thuyết đó thì chỉ vài ngày trước đây, tranh chấp biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc giao tranh quân sự vô tiền khoáng hậu, một trường hợp điển hình.

Hiện nay họ đang chơi trò chơi đổ lỗi cho nhau như "Ai đã khai pháo đầu tiên?".
Nhưng vấn đề đã vượt xa hơn việc đi tìm ai có lỗi. Đối với APTO, câu hỏi quan trọng là ai đã khai pháo đầu tiên và lý do tại sao, và những gì xảy ra tiếp theo đó? Cũng giống như NATO, các thành viên của APTO đang bị ràng buộc phải tiếp cứu để bảo vệ đồng minh của họ.
Nhưng liệu họ có tới cứu đồng minh của họ không?
Khởi đầu của một liên minh mới
Tương tự khối NATO về phương diện hình thành và hoạt động, APTO được hình thành để đáp ứng các đe dọa khủng bố và hải tặc. Khởi thủy là một liên minh không chính thức giữa các quốc gia đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như Úc, Nhật, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines, nhóm này mau chóng mở rộng bao gồm cả Miến Điện, Indonesia, Mã Lai, Tân Tây Lan và Việt Nam.
Mục tiêu của liên minh này là thống nhất và tăng cường khả năng phòng thủ, với hy vọng sẽ đem lại ổn định và an ninh cho Thái Bình Dương.
Khối mười quốc gia đó được các quốc gia Brunei, Chile, Ấn Độ, Singapore, và dĩ nhiên cả Hoa Kỳ, tham gia với tư cách thành viên không chính thức, trong khi chính Hoa Kỳ giúp đỡ hình thành APTO.
Trung Quốc đã bày tỏ không chấp nhận khối APTO, mà Trung Quốc cho là sự nối dài chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, Trung Quốc không dám tấn công các thành viên của APTO, vì biết rõ rằng không bị khiêu khích mà tấn công có thể sẽ đưa tới một cuộc chiến tranh không cần thiết với Hoa Kỳ.
Cuộc hội đàm viễn liên giả tưởng hiện nay của các lãnh đạo APTO là một hoạt động tìm hiểu dữ kiện hơn là chuẩn bị chiến tranh. Ngôn từ chuyên môn trong minh ước phòng thủ nói rằng các thành viên không bị đòi hỏi trợ giúp Việt Nam nếu thấy Việt Nam tấn công trước.
Và họ sẽ có lý do vững chãi để cùng nhau tránh chiến tranh vì Hoa Kỳ không sẵn sàng gửi quân tới như các thành viên chính thức.
Chỉ mới vừa phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế, và với ngân sách quốc phòng bị giảm thiểu một cách đáng kể, nhân dân và Quốc Hội Hoa Kỳ ít có ý định tham gia một cuộc chiến khác. Mặc dù Hoa Kỳ thường xuyên tuyên bố rằng tương lai của mình gắn chặt với Thái Bình Dương.
Nhưng nếu không có Hoa Kỳ tham gia với tư cách thành viên chính thức thì mọi liên minh quân sự đều chỉ là hình thức và sẽ thất bại chăng?

Hải quân Mỹ giao hảo với quân đội Việt Nam ở Đà Nẵng

Nền tảng của một liên minh thành công
Câu hỏi đó không sai. NATO thành công vì Chiến Tranh Lạnh là cuộc một chiến phần lớn xảy ra giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Và Hoa Kỳ với quyết tâm đánh gục Liên Xô, cùng với chiến lược chạy đua vũ trang làm cho Liên Xô kiệt quệ về kinh tế đã đưa NATO tới thành công.
Trái lại APTO sẽ không được hình thành trong cùng một hoàn cảnh. Bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai cũng sẽ không xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà giữa Trung Quốc và các quốc gia lân bang.
Có thể nói Hoa Kỳ theo đuổi một chính sách đối ngoại không can thiệp vào công việc của các lân quốc của Trung Quốc.
Biết vậy, thì thử hỏi Hoa Kỳ nên đóng vai trò gì và nên làm gì trong một liên minh quân sự như APTO?
Rõ ràng là để cho APTO thành công, Hoa Kỳ phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, và Hoa Kỳ chỉ lãnh đạo khi mà sự thành công của liên minh đó là cần thiết cho sự thành công của mục tiêu của Hoa Kỳ. Nói một cách giản dị, APTO phải được cấu trúc quanh nhu cầu của Hoa Kỳ.
Bất hạnh thay, một tổ chức như thế đã tồn tại trong quá khứ và đã thất bại, đó là Liên Phòng Đông Nam Á, SEATO. Do đó APTO không thể chỉ là bản sao chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nó phải được thiết kế nhằm giải quyết những nhu cầu của các quốc gia Thái Bình Dương thành viên.
Hoa Kỳ đã phản ánh các quan ngại của một số quốc gia Đông Nam Á về sự bành trướng của Trung Quốc bằng cách tổ chức để các quốc gia đó tiếp tục tham gia các cuộc tập trận chung và tiếp cận vũ khí của Hoa Kỳ.
Vả lại, Hoa Kỳ trong nhiều dịp cả công khai lẫn hội kín đã tuyên bố hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một đối tác chiến lược và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế dưới hình thức đại loại như Hội nghị Thượng đỉnh G-2 Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Cho dù trong tương lai Hoa Kỳ có trở thành một thành viên chính thức, thì để thành công, APTO phải hoạt động với Trung Quốc, làm cầu nối giữa Trung Quốc và các quốc gia lân bang. Hoa Kỳ chẳng được lợi gì nếu APTO chỉ đẩy Trung Quốc đi xa; và trong hoàn cảnh như thế, Hoa Kỳ không có lý do để trở thành một thành viên thường trực của tổ chức này.
Nếu APTO thành hình trong tương lai thì nó phải được thiết kế để xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia chứ không phải cắt đứt các mối quan hệ đó.
Tóm lại, không đối đầu với Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên, đồng thời mang lại quyền lợi cho Hoa Kỳ là ba yếu tố để APTO thành công.
Bản tiếng Anh của bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại Ottawa, Canada đã được đăng trên trang Bấm Asia Sentinel.Bản tiếng Việt do Luật gia Nguyễn Tường Tâm ở Hoa Kỳ lược dịch với sự đồng ý của tác giả.

No comments: