Saturday, July 28, 2012

Tầu ‘tham nhỏ, bỏ đại cục’ ở Biển Đông

Một học giả Singapore nổi tiếng với luận thuyết “tương lai thuộc về châu Á” đã phê phán Trung Quốc "bắt đầu mắc những sai lầm nghiêm trọng" liên quan đến Biển Đông.

Giáo sư Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng Trường Chính sách công
Lý Quang Diệu ở Singapore.


Trong bài bình luận “Is China Losing the Diplomatic Plot?” đăng trên “Project Syndicate” ngày 26/7, Giáo sư Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore - cho rằng “sau 30 năm khôn khéo về địa chính trị, người Trung Quốc dường như đang đánh mất sự khôn khéo đó đúng vào lúc mà họ cần nó nhất”.



Phạm sai lầm lớn tại AMM-45

Giáo sư Mahbubani cho rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn tại Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) ở Campuchia hồi tháng 7/2012, khi ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung do Chủ tịch luân phiên Campuchia không muốn bản tuyên bố này nhắc đến tranh chấp ở Biển Đông. Ồng nhận xét: “Cả thế giới, trong đó có đa số các nước ASEAN, đều xem lập trường (cứng rắn) của Campuchia là do sức ép to lớn của Trung Quốc”. Ông cho rằng Trung Quốc “thắng trận chiến tuyên bố chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí”.

Giáo sư Mahbubani nhận định: “Quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây từng tính toán rằng một ASEAN mạnh và đoàn kết là tấm đệm chắn hữu ích chống lại mọi chiến lược kiềm chế của Mỹ. Nay, thông qua việc chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã giúp Mỹ có cơ hội địa chính trị tốt nhất trong vùng. Giá như Đặng Tiểu Bình sống lại, ông ấy sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng”.

Theo ông, những gì đã xảy ra tại AMM-45 đang bộc lộ hàng loạt yếu kém trong khâu ra quyết định của Trung Quốc.

Tấm bản đồ 'đeo gông vào cổ'
Đáng chú ý, vị giáo sư người Singapore này dành nhiều đoạn trong bài để chỉ trích yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.

Giáo sư Kishore Mahbubani nói đường đứt khúc 9 đoạn này “có thể sẽ chỉ là cái gông cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.

Theo ông, việc Trung Quốc đã gửi công hàm ngày 7/5/2009, trong đó kèm bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) lên Liên Hợp Quốc (LHQ) là một hành động thiếu khôn ngoan. Công hàm này nhằm phản đối việc Việt Nam cùng Malaysia gửi cho LHQ báo cáo về ranh giới thềm lục địa trong tháng 5/2009. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã gửi kèm tấm bản đồ này trong một văn thư chính thức gửi cho LHQ và gây những những quan ngại to lớn trong các nước thành viên ASEAN.

Sau khi đệ trình đường đứt khúc 9 đoạn lên LHQ, Trung Quốc lâm vào tình thế không lối thoát vì khó có thể “biện hộ cho tấm bản đồ này, theo luật quốc tế”. Nhà sử học nổi tiếng Wang Gungwu đã chỉ ra rằng “những tấm bản đồ đầu tiên đòi chủ quyền Biển Đông là của người Nhật và sau đó được Trung Hoa Dân quốc thừa kế”. Theo Giáo sư Mahbubani, ở trong nước, “đường 9 đoạn có thể gây rắc rối cho chính phủ khi đem lại cho những người chỉ trích một thứ vũ khí hữu ích”. Mọi dấu hiệu thỏa hiệp sẽ gây khó cho các chính khách đương quyền. Nói cách khác, một vài mỏm đá ở Biển Đông đã khiến cho con tàu Trung Quốc bị mắc kẹt.

Rốt cuộc cũng phải tìm cách thỏa hiệp

Giáo sư Kishore Mahbubani khẳng định rốt cuộc, Trung Quốc "sẽ phải tìm cách để thỏa hiệp về đường 9 đoạn". Ông cho rằng Trung Quốc đang ngấm ngầm thỏa hiệp và nói tiếp: “Mặc dù đường 9 đoạn này bao gồm cả vùng biển Đông Bắc của đảo Natuna thuộc Indonesia, Bắc Kinh vẫn khẳng định với Jakarta rằng Trung Quốc không đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Natuna hay vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”. Giáo sư Mahbubani cho rằng “những đảm bảo riêng tư này đã xoa dịu các mối quan hệ với Indonesia” và đặt câu hỏi: “Tại sao Trung Quốc lại không có những đề nghị tương tự với các nước thành viên ASEAN khác?”

Theo Giáo sư Mahbubani, tuy vị thế của hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là khác nhau, nhưng cả hai vị này đều sẵn sàng nhượng bộ về lãnh thổ để giải quyết tranh chấp. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc khá rộng rãi với Nga trong việc xác định biên giới. Ông cho rằng “Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình làm được điều này vì cả hai đem lại cho Trung Quốc một sự lãnh đạo mạnh mẽ”. Thách thức hiện nay đối với thế giới là ban lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên “năm phe, bảy phái”: không một nhà lãnh đạo nào đủ mạnh để có thể đơn phương nhượng bộ một cách khôn ngoan.

Giáo sư Mahbubani kết luận: “Không có gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc cho đến khi quá trình chuyển đổi lãnh đạo được hoàn thành trong tháng mười một. Chính quyền mới của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ cần một thời gian để củng cố. Tuy nhiên, Mỹ đang thức tỉnh, cũng như phần còn lại của thế giới vào năm 2016 (năm Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ). Câu hỏi lớn sau đó sẽ là: Liệu Trung Quốc có khôn khéo về địa chính trị trên cương vị cường quốc số 1 thế giới như khi còn ở cương vị số hai?”

Đôi nét về Giáo sư Kishore Mahbubani

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, vốn được độc giả ngoài Đông Nam Á biết đến với những tác phẩm khẳng định phương Tây đang đi xuống và trật tự thế giới mới sẽ thuộc về châu Á, với vai trò đầu tàu của Trung Quốc. Bài viết của ông chắc sẽ được giới học giả Trung Quốc quan tâm vì lâu nay ông vẫn chê phương Tây và dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, leo lên ngôi vị số một thế giới vào năm 2016.


Minh Bích (theo Project Syndicate)

Nam Yết chuyển

No comments: