Monday, August 13, 2012

Dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Cộng


alt
Nhị Khê

Dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Cộng
Dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Cộng ngày càng bộc lộ rõ rệt. Hạ tuần tháng 07/2012, bất chấp sự phản đối của dân chúng Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Cộng đã tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước đây bị Trung Cộng chiếm đóng trái phép … Hành động này nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Với đơn vị đồn trú vừa được đưa đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Cộng đang cho thấy rõ ý đồ của họ là sử dụng quân sự nhằm “củng cố” cho các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Họ muốn khẳng định rằng, các cường quốc khác, nhất là Hoa Kỳ, sẽ bị đẩy ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, trong các bản đồ cổ do chính người Trung Hoa vẽ từ năm 1909 trở về trước, cực nam nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Các bản đồ hàng hải Châu Âu cũng đều thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Cộng thành lập cái gọi “thành phố Tam Sa” là bước đi nhằm hợp lý hóa việc khống chế Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Dân chúng Việt Nam không thể chấp nhận được hành động ngang ngược đó của Trung Cộng.


Dân Tàu cũng phản đối lập “thành phố Tam Sa”
Qua bài báo đăng trên mạng Sina.com và Zhoufang.blshe.com cho thấy, nhiều người Trung Hoa phản đối việc lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của nhà cầm quyền Trung Cộng, trong đó có Chu Phương, ký giả hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã. Ông này từng viết một bài phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là phô trương cho thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; khiến chính phủ và quân đội Trung Quốc trở thành kẻ đối lập với các quốc gia xung quanh và quốc tế… Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy bản đồ Biển Đông, bây giờ lại xuất hiện đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Biển Đông vào bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay, chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và quốc tế không công nhận, ngay chính phủ và các học giả nước ta cũng không thể giải thích rõ”.
Trước đó, ngày 29/06/2012, Chu Phương từng viết: Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò hề quốc tế, yêu cầu hủy bỏ ngay!Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu tại sao  Nga lại tham gia vào cuộc diễn tập quân sự lớn ở Thái Bình Dương do Hoa Kỳ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước hành động thành  lập “thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền Trung Cộng. Nếu tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó sẽ đưa nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể tránh được. Thành lập “thành phố Tam Sa” là một trò hề, chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa sai  … Chính phủ Trung Quốc vội vàng tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” bao gồm toàn bộ vùng biển trong “Đường biên giới 9 đoạn” do họ tự vạch ra một cách vô căn cứ. Đó là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, khiến quốc tế chê cười … Cách làm sai trái ấy còn trở thành trò hề nhục nhã, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc … Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, còn trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có …
Cuối cùng Chu Phương kết luận: Thành lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa sai!

Trung Cộng tăng cường quân sự ở Biển Đông
Trung Cộng vừa đưa tàu tuần tra lớn nhất vào hoạt động trên các vùng biển. Lại thêm một hành động gây căng thẳng trong việc tranh giành chủ quyền ở các vùng biển vốn chưa bao giờ thuộc về Tàu.
Ngày 30/07/2012 báo chí Tàu đồng loạt đưa tin tàu hải tuần 01 vừa được hạ thủy ở thành phố Vũ Hán ngày 28/07 để hoạt động trên các vùng biển, trước mắt ở biển Hoa Đông. Đây là chiếc tàu hải tuần đầu tiên có thể kết hợp hai chức năng tuần tra biển và cứu hộ. Tàu nặng 5.418 tấn, dài 128,6m với một sân bay trực thăng, chở được 200 người với tốc độ lẹ nhất là 37km/giờ, có thể đi suốt 10.000 hải lý không cần tiếp nhiên liệu. Tàu còn được trang bị những thiết bị hiện đại để điều trị y khoa, thậm chí có thể phẫu thuật ngay trên tàu.  Các nhà chuyên môn cho rằng, hải tuần 01 là loại tàu kết hợp tàu chiến hải quân và tàu tuần tra của Cục Ngư chính Trung Quốc.
Ngày 30/07, lên tiếng trong một bài viết cho Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ R.S. Kalha cho rằng, chưa thỏa mãn với việc gây sóng gió ở vùng biển Hoa Đông, Bắc Kinh lại quay sang Biển Đông với hàng loạt hành động gây hấn gần đây, giới chuyên gia mô tả là “chính sách tàu chiến”.
Theo ông, cái mà Trung Cộng gọi là chủ quyền rộng lớn của họ chính là hơn 80% diện tích Biển Đông và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (dân Tàu gọi là Điếu Ngư Đài) nước này đang cố tranh giành bất chấp luật pháp và sự phản đối của các nước láng giềng và dư luận quốc tế. Để bảo vệ cái chủ quyền vô lý này, Trung Quốc một mặt nói rằng họ muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, trong thực tế lại sử dụng biện pháp quân sự.
Với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao, ông Kalha cho rằng, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn để có thể duy trì các đơn vị đồn trú ở “Tam Sa” do các vấn đề liên quan đến hậu cần quân sự. Ông nhấn mạnh: “Vẫn còn kịp để Trung Quốc rút quân khỏi Hoàng Sa và tìm một giải pháp hòa bình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Vẫn còn kịp cho Trung Quốc khi họ nhận thức được hành động điên rồ của mình với thành phố Tam Sa”.
Nhận định về những hành động quân sự và khiêu khích gần đây, Michael Richardson, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Tân Gia Ba, cho rằng, với chính sách “ngoại giao tàu chiến”, Trung Quốc đang đi ngược lại với những gì Bắc Kinh từng cam kết trước đây. Bắc Kinh đã thò cái đuôi xâm lược thông qua việc Bộ Quốc phòng nước này ra lệnh cho lực lượng không quân và hải quân sẵn sàng “bảo vệ lợi ích và chủ quyền trên biển” của họ ở Biển Đông. Trung Quốc đã bộc lộ rõ ý đồ độc chiếm Biển Đông khi Tân Hoa xã mới đây khẳng định: Trung Quốc có chủ quyền phủ khắp 1,5 triệu km2 diện tích Biển Đông, kéo dài đến bãi đá James Shoal, dù bãi đá này chỉ cách đông Mã Lai Á và Brunei chỉ 80km, trong khi cách thềm lục địa Trung Hoa đến 1.800km. Không ai có thể tin luận điệu ngớ ngẩn này lại ăn sâu vào từng tế bào xã hội của Trung Quốc đến thế. Với lập luận trên, Bắc Kinh đang muốn biến Biển Đông thành vùng biển của mình.
Ông khẳng định: Đúng như báo Japan Times từng viết: “Điều Biển Đông đang cần là giảm bớt căng thẳng, các nước liên quan nên tránh đối đầu và tìm cách giải quyết tranh chấp theo hướng hòa bình và luật pháp quốc tế”.
Trước dã tâm xâm chiếm trắng trợn quần đảo Hoàng Sa của Trung Cộng, nhiều người dân trong nước đã bất chấp sự cản trở của nhà cầm quyền Việt Nam để xuống đường biểu tình phản đối bọn xâm lược Trung Quốc.

Người Việt trong nước biểu tình chống Tàu xâm chiếm Biển Đông
Theo AFP, ngày 22/07/2012, tại Hà Nội, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình phản đối dã tâm xâm lược Biển Đông  của Trung Cộng. Đây là cuộc biểu tình thứ ba trong tháng 07/2012. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” … Cuộc tuần hành bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm đi về phía Tòa đại sứ Trung Quốc ở 46 phố Hoàng Diệu.
Khi đoàn biểu tình đi đến phố Trần Phú, công an đã lập hàng rào, ngăn cản đoàn biểu tình không cho tiến gần Tòa Đại sứ Trung Quốc, buộc đoàn biểu tình phải quay trở lại hồ Hoàn Kiếm, tập hợp dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, tiếp tục hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Cộng.
Như thường lệ, chính quyền CSVN đã huy động một lực lượng đông đảo công an, an ninh, bám sát theo đoàn người biểu tình. Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết, dường như không xẩy ra hành động trấn áp, hay bắt giữ người biểu tình như những năm trước.
Theo các nguồn tin trên mạng, giới trẻ ở thành phố Vinh, Nghệ An, cũng muốn xuống đường biểu tình chống Tàu Cộng xâm lược, do lực lượng công an và an ninh dày đặc, nhiều bạn trẻ bị theo dõi, không thể tập hợp lại để biểu tình. Ở Sài Gòn, các bức ảnh đăng trên internet cho thấy đông đảo các bạn trẻ đã tập hợp tại khuôn viên Công trường 30/04 phản đối Trung Cộng xâm chiếm vùng biển Việt Nam bằng hình thức biểu tình ngồi.
Hãng thông tấn AFP nhắc lại, trong năm 2011, có 11 cuộc biểu tình phản đối thái độ gây hấn của Trung Cộng ở Biển Đông. Lúc đầu, chính quyền Việt Nam “nhắm mắt làm ngơ”, mặc cho dân chúng tự do biểu tình, sau đó, họ lại thẳng tay trấn áp; nhiều người biểu tình bị câu lưu, hành hung, thậm chí có trường hợp bị bắt đi cải tạo.
Các cuộc biểu tình lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.  Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh căng thẳng thêm sau khi Việt Nam cho công bố Luật Biển, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, nhiều người nhận định, tầng lớp lãnh đạo CSVN “ngồi mát ăn bát vàng” chỉ đánh “võ mồm”, trong lòng lại thuần phục Trung Cộng. Họ sợ đi với Mỹ sẽ mất cái “ngai vàng” đang tận hưởng. Nhiều người Việt Nam cho rằng, dân chúng xuống đường biểu tình chống Trung Cộng nhưng lại bị nhà cầm quyền ngăn cấm, bởi vậy, có người đã viết thư lên tầng lớp lãnh đạo các cấp bày tỏ nỗi lòng của mình  trước hành động xâm lược của Trung Quốc và thái độ “đồng lõa” của nhà cầm quyền.
Ngày 01/08/2012, ông Nguyễn Anh Dũng, một nhà giáo, từng là chiến binh trong quân đội cộng sản, đã viết một lá thư gửi lên Bộ chính trị, ban Bí Thư TW Đảng CS VN, Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, Bộ công an, Ban lãnh đạo và Sở công an thành phố Hà Nội … phản đối nhà cầm quyền cấm không cho dân chúng biểu tình chống Trung Cộng. Người viết xin lược trích một số đoạn giới thiệu cùng quý độc giả:
Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979. Cưỡng chiếm biên giới trên đất liền, biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bắn giết bộ đội, ngư dân để cướp đảo, cưỡng đoạt tầu thuyền và đòi tiền chuộc. Thành lập các cơ quan quản lý hành chính và quân sự tại nơi đã chiếm đóng. Hành vi đó đã kéo dài qua nhiều năm tháng một cách có hệ thống, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, nhằm thực hiện âm mưu đồng hoá, biến Việt Nam trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Khi mà đảng và nhà nước muốn giữ hoà khí trong một liên minh với Tầu cộng bằng 16 chữ vàng và quan hệ 4 tốt giả hiệu, đã quên đi nỗi nhục mất nước từ ngàn xưa, quên đi hương hồn những người con của nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, nhà nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam, đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam. Nhằm duy trì sự thống trị  độc quyền của đảng cộng sản.
Biểu tình chống xâm lược là việc làm cần thiết, để góp phần ngăn chặn chiến tranh trước khi cuộc chiến có thể xẩy ra. Biểu tình một cách ôn hoà là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được quy định tại điều 69, 77 Hiến pháp. Có thể nói đây là hình ảnh hội nghị Diên Hồng thu nhỏ nối tiếp truyền thống Ông Cha từ đời xưa …
Một số người đi biểu tình được chính quyền “nhận diện”, như cụ bà Lê Hiền Đức, LS Lê Quốc Quân được cơ quan an ninh điều tra triệu tập đến “làm việc”. Hoặc tại địa phương, các đoàn đại diện cho hệ thống chính trị của cụm dân cư đến tại nhà blogger Nguyễn Hữu Vinh và một số người khác để khuyên cáo: Việc bảo vệ chủ quyền “Đã có đảng và nhà nước lo”! Yêu cầu mọi người không đi biểu tình nữa!
Mấy vị đại diện này hẳn muốn người dân hãy cứ “Há miệng chờ sung”, hoặc cứ yên tâm vì đã có người khác chăn dắt như một “Bầy cừu”! Phải chăng họ không biết gì về hành vi xâm lược của Tầu cộng, hay họ là người từ hành tinh khác tới đây?
Trong khi đó, uỷ viên Bộ Chính Trị, bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, đã từng mắng người dân: “Dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm” (nguồn: Kinh tế nông thôn) …  Để rồi sự “Vô cảm” đã làm cho họ trở nên ích kỷ, nhỏ nhen và hèn nhát, không dám nghĩ đến quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình. Tuy nhiên đối tượng này không nhiều, đại bộ phận người dân đã quá mệt mỏi cực khổ với cuộc sống hiện tại và mong muốn đến một ngày nào đó, sẽ có dịp “Nối vòng tay lớn” để “Dậy mà đi” …
Người Việt Nam đã quyết, không một kẻ nào có thể xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

No comments: