Saturday, September 22, 2012

Chuyên gia QS Nga dự đoán thắng bại trong đại chiến Trung-Nhật _NgV


 

Máy bay của Lực lượng tuần duyên Nhật bám sát và truy đuỗi đội tàu hải giám Trung Quốc ra khỏi khu vực 12 hải lý cuả quần đảo Senkaku.


Nếu Nhật và TQ xảy ra xung đột quân sự sẽ khó đoán ai thắng ai thua, nhưng nếu Mỹ can thiệp, Trung Quốc sẽ bị đánh bại. Đó là sự dự đoán của hai chuyên gia QS Nga về cuộc chiến giữa hai đại cường châu Á này

Sức mạnh của các bên


Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ (Nga), Tổng biên tập tạp chí Moscow Defence Brief, ông Vasily Kashin, cho rằng, ở trên biển, Bắc Kinh hoàn toàn không có ưu thế số lượng mang tính áp đảo, đồng thời, về chỉ tiêu chất lượng, tàu chiến Trung Quốc hoàn toàn thua xa Nhật Bản. Ông nói: “Bắt đầu từ năm 2007, người Trung Quốc mới bắt đầu chế tạo được tàu chiến tạm coi được, còn các tàu chiến cũ kỹ trước đó hoàn toàn không có “đất dụng võ”. Bắc Kinh sở hữu tàu ngầm có thể tạo ra mối đe doạ nhất định đối với Nhật Bản, nhưng Hải quân Nhật Bản luôn coi trọng khả năng chống tàu ngầm.
Tôi từng có cơ hội được nghe chuyên gia chiến tranh trên biển của Mỹ đánh giá, họ nói thẳng rằng, trong tác chiến chống tàu ngầm, bất kể là kinh nghiệm, thiết bị, chiến thuật, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thậm chí còn mạnh hơn quân Mỹ. Trong khi đó, chỉ nói về tần suất diễn tập sẵn sàng chiến đấu trên biển, tàu ngầm Trung Quốc làm còn lâu mới đủ”.
Ông nhấn mạnh: “Hạm đội Trung Quốc cấp bách muốn có bước nhảy vọt về sẵn sàng chiến đấu, chiến thuật và tác chiến biên đội. Vào thời điểm tương tự, Liên Xô hoàn toàn không có lực lượng bờ biển tác chiến độc lập ở vùng biển cách xa tuyến đường bờ biển của nước này, nhưng trải qua mấy chục năm nỗ lực, cuối cùng họ trở thành một hạm đội toàn cầu. Trên con đường này, Trung Quốc chỉ mới có những bước đi đầu tiên.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Hải quân Trung Quốc còn lấy phòng ngự duyên hải là tư tưởng tấn công chủ yếu, tức là lấy hạm đội duyên hải làm chủ lực, tàu chiến cỡ lớn rất hiếm, nòng cốt là thuyền máy và rất nhiều pháo binh bờ biển.
Mãi đến giữa thập niên 90, sức mạnh của Hải quân Trung Quốc mới bắt đầu thực sự phát triển, về chất lượng, thành quả này mấy năm trước mới từng bước được thể hiện. Hải quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm làm cho họ có cảm giác tự tin”.

Khác với Kashin, Konstantin Sivkov, Phó Viện trưởng Học viện Địa-chính trị Nga đánh giá sức mạnh của Hải, Không quân Trung Quốc cao hơn một chút: “Về số lượng, Quân đội Trung Quốc hơn nhiều Nhật Bản. Trung Quốc có 2,5 triệu quân, Nhật Bản chỉ có 250.000 quân. Nhưng, chiến tranh xung quanh hòn đảo tranh chấp sẽ chủ yếu dựa vào hải, không quân.
Để đoạt lấy các hòn đảo trên, Trung Quốc có thể sẽ điều động 400-500 máy bay chiến đấu, không ít hơn 20 tàu ngầm diesel, rất có thể sẽ còn điều 3 tàu ngầm hạt nhân. Do những hòn đảo trên cách đất liền không xa, không loại trừ sẽ điều động rất nhiều tàu tên lửa, tàu khu trục tên lửa.
Phía Nhật Bản có thể điều gần 150 máy bay chiến đấu chiến thuật, tàu ngầm diesel, 5-10 tàu khu trục và hộ tống hạm. Số lượng tàu chiến dùng để bảo vệ đảo tranh chấp của Nhật Bản chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc”.
Nhưng ông chỉ ra: “Không quân Trung Quốc chủ yếu sử dụng máy bay kiểu cũ. Về chất lượng, máy bay chiến đấu của Nhật Bản có ưu thế mang tính quyết định. Bắc Kinh thiếu máy bay cảnh báo sớm trên không, còn loại máy bay này của Tokyo có thể đảm bảo được việc đoạt lấy quyền kiểm soát trên không, chỉ huy không chiến tốt hơn, giúp cho ưu thế của Không quân Nhật Bản nổi bật hơn. Nói chung, trong không chiến, cho dù Bắc Kinh có ưu thế về số lượng, nhưng khả năngTrung Quốc vẫn chỉ tương đương với Nhật Bản .
Về hải quân, trình độ công nghệ và kỹ thuật chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc còn dừng lại ở những thập niên của thế kỷ trước, tiếng ồn rất lớn. Tàu ngầm của người Nhật lại hoàn thiện hơn, tiếng ồn nhỏ hơn, có thể đối phó có hiệu quả với tàu ngầm Trung Quốc.”.


Hải quân Nhật Bản


Hải Quân Trung Quốc
Khó đoán ai thắng ai thua

Kashin dự đoán: “Nếu hai bên xảy ra xung đột, sử dụng lực lượng quân sự cùng số lượng, người Trung Quốc sẽ bị tổn thất to lớn, họ chắc chắn sẽ không tấn công cùng cấp độ với Nhật Bản. Hiện nay, ưu thế vũ khí của Nhật Bản rất nổi bật, tố chất tác chiến cá nhân cao hơn.
Quân nhân Trung Quốc vẫn chưa thử sử dụng tất cả các vũ khí kiểu mới, trình độ huấn luyện cũng không được đánh giá cao. Hơn nữa, vũ khí của Trung Quốc thua xa Nhật Bản một cách toàn diện, không thể phát huy sức mạnh đầy đủ. Điều có khả năng nhất là, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu thất bại nhục nhã, đây là điều rất khó chịu đựng nổi đối với Bắc Kinh”.
Kashin cho rằng, thực lực của Hải quân Nhật Bản rất mạnh, cho dù Trung Quốc đã đạt được thành tích đáng kể trong việc theo đuổi Nhật Bản, nhưng muốn đạt trình độ huấn luyện nhân viên và chiến thuật tương tự Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thì còn cần nhiều năm nỗ lực.
Nhưng quan điểm của Sivkov hoàn toàn ngược lại. Ông cho rằng, tổn thất của Trung Quốc sẽ rất lớn, nhưng Nhật Bản nếu chỉ dựa vào sức mình, sẽ không thể ngăn chặn được những tấn công biển người của Trung Quốc.
Một khi xảy ra xung đột, chiến lược của Trung Quốc sẽ lấy tấn công làm chính, còn Nhật Bản thì nghiêng về phòng thủ. Một khi giao chiến trực tiếp, triển vọng giành chiến thắng của Trung Quốc cũng khó đoán.
Theo quan điểm của ông, Trung Quốc có ưu thể nổi bật trên phương diện tàu tên lửa hạng nhẹ và tàu khu trục tên lửa, có thể thực hiện nhiệm vụ đánh bại những hạm đội của Nhật Bản, yểm trợ đổ bộ. Không quân Trung Quốc về tổng thể vượt trội hàng chục lần so với không quân Nhật, và Nhật Bản tất nhiên sẽ không thể kham nổi”, ông Sivkov dự báo..
Ông cho rằng, trình độ huấn luyện của binh sĩ Trung Quốc không thua kém, thậm chí ở một số lĩnh vực và thủ đoạn hơn hẳn Nhật Bản. Khác với Nhật Bản, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự tích cực và thường xuyên, đồng thời bỏ ra rất nhiều tiền bạc cho hoạt động này.

left align image
Quân đội Mỹ tham chiến thay đổi thế cân bằng

Mặc dù quân số của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ bằng 1/10 Quân đội Trung Quốc, nhưng Tokyo còn có một ưu thế khác, đó là đồng minh Mỹ. Căn cứ vào Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, một khi xảy ra cuộc chiến xâm lược đối với Nhật Bản, Washington có nghĩa vụ tiến hành can thiệp. Trung Quốc đồng thời đối đầu với hai nước Mỹ, Nhật thì hai bên có “cơ” thắng thế nào? Quan điểm của hai chuyên gia trên lại bất ngờ thống nhất. Trung Quốc sẽ đại bại.
Sivkov cho rằng, sự tồn tại của nhân tố Mỹ làm cho Trung Quốc không thể tiến hành các hành động quân sự trước ở khu vực tranh chấp. Một khi Trung Quốc và hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật “choảng nhau”, cho dù Bắc Kinh chiếm ưu thế số lượng về không quân, nhưng lực lượng hàng không của tàu sân bay Mỹ và không quân chiến thuật của họ ở căn cứ Okinawa có thể đáp trả có hiệu quả lực lượng hàng không cường kích của Trung Quốc, đồng thời tiến hành tấn công rất mạnh đối với Trung Quốc.
Chắc chắn, các sân bay của Trung Quốc sẽ bị tên lửa hành trình của quân Mỹ tấn công, sức mạnh không quân sẽ tổn thất nghiêm trọng, hạ tầng cơ sở sẽ bị phá huỷ hoàn toàn.
Khi quân Mỹ tham chiến, lực lượng chủ lực của Không quân Trung Quốc sẽ bị triệt tiêu trong 2 tuần đầu tiên. Hải quân Trung Quốc cũng khó thoát khỏi kết cục bi thảm, bởi vì tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Mỹ cũng sẽ tham chiến, nó đối phó với tàu chiến Trung Quốc dễ như trở bàn tay.
Vũ khí trang bị cho tàu chiến của Trung Quốc có khả năng răn đe nhất định, nhưng nó có điểm yếu ở khả năng phòng không, cho nên rất dễ bị tên lửa (nằm ngoài tầm phóng của tên lửa Trung Quốc) tấn công.

Vì vậy, nếu thái độ đối đầu của hai bên tiếp tục leo thang, tình hình phát triển đến mức xảy ra xung đột quân sự, thì cũng sẽ chỉ là sự đối đầu không lớn trên biển và trên không, sau đó Mỹ rất có thể can dự, lúc đó, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ các hành động quân sự, chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế.

Sivkov cho rằng: “Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không thể đơn độc giữ được đảo tranh chấp. Đổi lại, Không quân Trung Quốc cũng sẽ tổn thất không nhỏ, dự đoán lên tới 150 chiến đấu cơ. Không quân Nhật Bản cũng sẽ có vài chục chiếc bị bắn rơi. Nhưng, nếu Mỹ can dự toàn diện vào cuộc xung đột theo quy định của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, thì Quân đội Trung Quốc sẽ bị đánh đại bại”.

Ông Vasily Kashin nhận định: “Mỹ dù tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp đảo, nhưng nếu xảy ra điều gì đó được diễn giải như cuộc tấn công vào Nhật Bản, thì họ sẽ nhảy vào can thiệp. Mỹ duy trì trong khu vực một lực lượng bao gồm HKMH George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến ở Okinawa, không quân, quân đội ở Nam Hàn . Nghĩa là ở ngay sát quần đảo tranh chấp, chỉ trong vài giờ là có mặt khu vực chiến sự và tham chiến. Tương quan lực lượng bất lợi đối với Trung Quốc đến mức không thể nói đến chuyện Trung Quốc muốn tiến công vào lãnh thổ Nhật. Trung Quốc sẽ còn phải đi một chặng đường dài mịt mù để có khả năng thực sự đe dọa Nhật Bản”.
Infonet/ VN Defence

Nam Yết chuyển

No comments: