Sunday, March 10, 2013

TQ tìm cách áp đảo tàu Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp _NgV



Hải quân và tàu bán quân sự Trung Quốc đang ồ ạt tiến đến vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp với Tokyo trong một sự kiện mà các chuyên gia nói rằng là một chiến lược nhằm áp đảo về số lượng so với các lực lượng Nhật Bản tiến ra để phát hiện và theo dõi đội tàu này.

Một loạt bản tin từ Trung Quốc đã tuyên bố việc triển khai tàu tại biển Hoa Đông, các cuộc tập trận hải quân, việc tung ra những tàu chiến mới và các bài viết kêu gọi bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.
“Mục đích của hoạt động này ở Hoa Đông là áp đảo Lực lượng Tự phòng vệ Hải quân Nhật Bản và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản” – ông James Holmes – một chuyên gia chiến lược hải quân tại Trường ĐH chiến tranh Hải quân Mỹ tại đảo Rhode cho biết.
Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc hiện tại liên tục đưa thông tin về những hành động của mình quanh nhóm đảo tranh chấp có tên là Senkaku theo cách người Nhật gọi và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.
Thông tin về những hoạt động trên cũng tuyên truyền cho giá trị của Bắc Kinh vì nó thể hiện rằng đảng cầm quyền có quyền lực và quyết tâm bảo vệ cái mà họ cho là lãnh thổ Trung Quốc – các nhà phân tích chính trị cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sự nguy hiểm của việc liên tục triển khai hoạt động từ 2 phía tại vùng biển tranh chấp sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc nhầm lẫn và có thể dẫn tới xung đột.
Trong vụ việc gần đây nhất vào tháng trước, Tokyo cho biết radar của tàu chiến Trung Quốc đã “nhắm bắn” một tàu trực thăng và tàu khu trục của Nhật vào cuối tháng 1. Bắc Kinh bác bỏ điều này nhưng các quan chức quân sự Mỹ đã tin tưởng tuyên bố của Nhật Bản.
Một số chuyên gia an ninh Nhật Bản và nước ngoài cho biết hải quân hùng mạnh và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật có thể trội hơn tại vùng biển tranh chấp nhưng điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh tăng cường tuần tra.
“Tôi tin rằng hiện tại Trung Quốc đang tập trung các nguồn lực tại biển Đông – nơi đang là sự ưu tiên của họ” – ông Yoshihiko Yamada, một chuyên gia về chính sách biển và là giáo sư tại ĐH Tokai, Nhật, cho biết – Tuy nhiên, nếu họ chuyển thêm nguồn lực tới Hoa Đông, một mình lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật sẽ không thể đối phó được”.
Có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa 2 nước vẫn tăng cao vào tuần sau khi Tokyo phản đối Trung Quốc thả một loạt phao quanh nhóm đảo để thu thập tình báo về các hoạt động của Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những phao này là ở vùng biển Trung Quốc và được đưa ra để thu thập thông tin thời tiết.

Áp lực lên lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật

left align image

Có dấu hiệu cho thấy lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đang chịu áp lực. Họ đã lên kế hoạch thành lập một đơn vị 600 thành viên với 12 tàu tuần tra chỉ để thực hiện nhiệm vụ quanh nhóm đảo tranh chấp. Lực lượng này cũng đã tăng 23% ngân sách để mua tàu và máy bay lên con số 32,5 tỉ yen (348,15 triệu USD) cho năm nay, bắt đầu từ tháng 4. Ngoài ra, 119 nhân sự sẽ được thêm vào lực lượng này vào tháng sau – đây là mức tăng nhân sự lớn nhất trong vòng 32 năm nay.
Khi căng thẳng tăng cao tại nhóm đảo tranh chấp, trước khi trở lại văn phòng làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2, ông Shinzo Abe đã đề xuất chuyển những tàu hải quân không còn sử dụng thành tàu tuần tra bờ biển và theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thì ý kiến này đang được bàn bạc.
Trong khi đó tàu chiến của Bắc Kinh liên tục tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp – theo tuyên bố của PLA. Vào cuối tháng 1, PLA cho biết 1 hạm đội hải quân sẽ tiến hành tập trận ở Tây Thái Bình dương sau khi “đi qua nhóm đảo” ngoài bờ biển Trung Quốc – một ám chỉ rõ ràng tới đảo tranh chấp. Lực lượng hải quân này cũng đã tiến hành 7 cuộc tập trận tương tự vào năm ngoái – theo PLA.
Trong một loạt bản tin, PLA cho biết 3 trong số những tàu chiến hiện đại nhất của mình gồm tàu khu trục tên lửa Qingdao, tàu khu trục nhỏ Yantai và Yancheng có thể tạo thành hạm đội tiến hành tập trận ở Hoàng Hải và Hoa Đông trong 18 ngày triển khai.
Hải quân Mỹ cũng theo dõi sự tăng cường hoạt động của Trung Quốc gần Nhật Bản. Trong một đánh giá thẳng thắn, một quan chức tình báo hải quân cao cấp Mỹ, thuyền trưởng James Fanell, nói tại một cuộc hội thảo ở San Diego ngày 31.1 rằng hải quân PLA đã cử 7 nhóm hoạt động trên mặt biển tới biển Philippines ở phía nam Nhật Bản. Đây là lần triển khai số lượng tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử tới khu vực này.
“Không nhầm lẫn gì, hải quân PLA đang tập trung vào cuộc chiến trên biển và vào việc đánh chìm hạm đội của đối thủ” – ông Fanell nói.
Các quan chức cao cấp Trung Quốc đã ám chỉ mạnh mẽ rằng việc Nhật Bản đòi quyền sở hữu đối với nhóm đảo là một sự tấn công vào một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc – một sự phân biệt của Bắc Kinh trong việc xác định những ưu tiên quốc gia không phải bàn cãi của mình.

Tuy nhiên, Nhật Bản không chùn bước

Mặc dù chịu áp lực quân sự và ngoại giao, chính phủ Nhật Bản cũng không thể hiện dấu hiệu nản lòng. “Chúng tôi đơn giản là không thể tha thứ cho bất kỳ thách thức nào trong hiện tại và tương lai” – Thủ tướng Abe nói gần đây tại Washington – “Không quốc gia nào có thể nhầm lẫn hay đánh giá thấp sự kiên quyết của chúng tôi”.
Tuy vậy, các chuyên gia quân sự cho biết các lực lượng của Nhật phải tiếp tục để theo kịp các cuộc tuần tra và tập trận của Trung Quốc.
Trong một tài liệu chuẩn bị cho một tổ chức tư vấn quân sự của Australia, một nhà chiến lược quân sự Nhật Bản có ảnh hưởng, Phó đô đốc Yoji Koda đã nghỉ hưu, cho biết các lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động quanh nhóm đảo tranh chấp “đương nhiên sẽ gặp phải sự tuần tra tăng cường và theo dõi liên tục” từ phía Nhật Bản và liên minh Mỹ.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng Bắc Kinh liên tục triển khai quân quanh nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư cũng là một phần của chính sách tăng cường tuyên bố chủ quyền tới một số lãnh thổ tranh chấp ở Hoa Đông và biển Đông.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì Nhật Bản là một thách thức lớn hơn đối với Bắc Kinh so với các nước nhỏ đang có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines.


Nam Yết

No comments: