Saturday, July 20, 2013

Không quân Mỹ và bản kế hoạch thống trị thế giới 30 năm tới_NgV




1. Mỹ tổng lực nâng tầm "cỗ máy chiến tranh" khổng lồ bao trùm thế giới
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, hiện không quân nước này đã chính thức đệ trình lên quốc hội Mỹ kế hoạch phát triển không quân trong vòng 30 năm tới. Căn cứ vào bản kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2013 - 2043 này, không quân Mỹ sẽ trang bị 14.000 máy bay chiến đấu các loại (bao gồm cả máy bay trực thăng).Năm ngoái, không quân Mỹ cũng đã xây dựng bản kế hoạch dài hạn, phát triển không quân trong vòng 30 năm (2012 - 2042). Trong bản kế hoạch này, ngân sách hàng năm dành cho phát triển không quân, trong vòng 10 năm đầu (2012 - 2022) là 80 tỷ USD, còn trong bản kế hoạch mới, con số này đã lên đến hơn 100 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với dự chi ngân sách cũ.
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là trong bản kế hoạch mới này, không quân Mỹ đã xác định khoảng thời gian triển khai một loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới là vào năm 2025. Đồng thời, số lượng máy bay đặt mua cũng lên đến con số khủng khiếp là từ 80 – 100 chiếc, nâng cao sức mạnh của lực lượng không quân chiến lược Mỹ lên tầm cao mới mà không quốc gia nào địch được.

Kế hoạch mua 80 – 100 chiếc máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới.

Trong con mắt của mọi người, lực lượng không quân chiến lược Mỹ hiện đã là “độc cô cầu bại”, vậy tại sao Mỹ lại đổ nhiều tiền của vào phát triển một loại máy bay ném bom mới? Thực tế là, không quân Mỹ phát hiện 2 loại máy bay ném bom hiện đang sử dụng là B-2A và B-52H không đủ khả năng tấn công nhanh toàn cầu theo học thuyết quân sự mới của Mỹ.
Hơn nữa, B-2A bảo dưỡng rất phức tạp, khả năng tác chiến đa nhiệm cũng không quá nổi bật, đơn giá 2 tỷ USD cũng làm không quân Mỹ không cáng dáng nổi. B-52H tuy được trang bị tên lửa hành trình tầm xa và bom tấn công ngoài khu vực phòng không, nhưng vẫn có thể bị kẻ địch hạ gục dễ dàng. Vì vậy, loại máy bay ném bom mới phải đáp ứng được yêu cầu là mạnh mẽ, tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và không ngại sự uy hiếp của hỏa tiễn phòng không đối phương.
Hiện nay, kế hoạch phát triển không quân chiến lược của Mỹ chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là tiến hành nâng cấp toàn bộ số B-52H và B-1B hiện đang sử dụng. Giai đoạn 2 đóng vai trò rất quan trọng là phát triển một loại máy bay ném bom "bắc cầu" mới để đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2018 – 2025 nhằm thay thế cho B-52H và B-1B.

Giai đoạn 3 có tính chất quyết định đến sự thống trị của không quân Mỹ trên toàn cầu là phải hoàn tất hạng mục phát triển 1 loại máy bay ném bom theo lý luận hoàn toàn mới, được biên chế chính thức vào năm 2035. Loại máy bay này sẽ có tốc siêu vượt âm (thấp nhất là Mach3), biến nó thành loại máy bay ném bom toàn diện nhất trên thế giới với khả năng tàng hình, lượng bom đạn lớn nhất và tốc độ cao nhất.
Hiện nay, trọng trách đang đặt vào Công ty Northrop Grumman. Ngoài việc cung cấp phương án thiết kế máy bay ném bom tầm xa mới của giai đoạn 2, công ty này còn đảm nhận hạng mục nâng cấp các máy bay ném bom tàng hình B-2A hiện có.
Về máy bay ném bom tương lai, công ty Northrop Grumman đã đưa ra một số tiêu chí cơ bản là một máy bay ném bom hạng trung, tốc độ dưới âm, có khả năng mang theo các vũ khí tiến công chính xác tầm xa và vũ khí hạt nhân, các chỉ tiêu kỹ thuật bao gồm: phạm vi hành trình 4630 - 5556 km, lượng bom đạn 9 tấn.
Như vậy, loại máy bay "bắc cầu" này có tính năng không bằng B-2 với hành trình tối đa 11.112km và tải trọng vũ khí 18.144. Về cơ bản, nó cũng chỉ nhỉnh hơn một số loại máy bay ném bom chiến thuật như Su-34 của Nga một chút. Và đương nhiên, nó cũng không phải là loại máy bay dùng để thay thế cho B-2 mà chỉ là một sự bổ sung một loại máy bay ném bom trung gian thế hệ mới.
Trong bản kế hoạch kế hoạch phát triển không quân, xây dựng năm 2012, Mỹ có kế hoạch sẽ chi 2 - 3 tỷ USD cho máy bay ném bom trong vòng 10 năm tới. Nhưng đây là khoản đầu tư tổng hợp cho các loại máy bay B-1, B-2, B-52 và máy bay tấn công tầm xa (LRS-B), còn khoản đầu tư cho máy bay ném bom tầm xa tương lai không nằm trong hạng mục này.
Còn trong kế hoạch mới sửa đổi năm nay, không quân Mỹ đã xác định rõ ràng là trong giai đoạn 2019 - 2023 phải tăng ngân sách tối đa “trong điều kiện cho phép” để đầu tư cho hạng mục LRS-B, dự chi ngân sách hàng năm cho máy bay ném bom trong giai đoạn 2019-2021 sẽ tăng từ 7 lên 10 tỷ USD. Và đương nhiên là tiến độ phát triển loại máy bay tấn công tầm xa này sẽ nhanh chóng đi đúng quỹ đạo.

Nâng cao toàn diện năng lực và trình độ tấn công bằng vũ khí thông thường cho máy bay ném bom chiến lược

Pháo đài bay B-52 đã bước vào tuổi 60, nhưng nó vẫn là niềm kỳ vọng lớn lao của không lực Hoa Kỳ

Năm 2012, B-52 đã bước vào tuổi 60, nhưng nó vẫn là niềm kỳ vọng lớn lao của không lực Hoa Kỳ. Người Mỹ hy vọng sau khi nâng cấp lớn, B-52 vẫn sẽ phát huy được uy lực cho đến năm 2050. Từ sau lần bay thử chính thức đầu tiên năm 1952, B-52 đã trải qua vô số lần nâng cấp, tất cả những công nghệ ban đầu đều đã thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, B-52 đang được nâng cấp khoang đạn để có thể mang được 40% tải trọng bom điều khiển tấn công chính xác, ngoài ra nó còn được trang bị một hệ thống radar thế hệ mới.

Với khả năng ném bom chính xác ngày càng cao của các máy bay ném bom chiến lược, vị thế độc tôn của máy bay ném bom chiến thuật ngày càng suy giảm. Trong chiến tranh Iraq, máy bay ném bom Mỹ thường xuyên quần thảo trên không, đợi lệnh chi viện mặt đất. Lấy B-52 làm ví dụ, nó có thể ném bom chính xác ở độ cao 39.000 feet tiêu diệt các mục tiêu nằm chỉ cách phạm vị lực lượng quân đội mặt đất Mỹ vỏn vẹn 1000 feet.
Vào ngày 25/03/2003, ở Iraq xuất hiện một cơn bão cát cực lớn, sư đoàn Medina của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq nghĩ rằng họ sẽ có một khoảng thời gian “dễ thở”. Thế nhưng, địa điểm tập kết của sư đoàn này vẫn bị 2 loại máy bay ném bom B52 và B-1 của Mỹ tấn công vì bom điều khiển GPS của không chịu ảnh hưởng của bất kỳ điều kiện khí hậu nào.
Trước khi được trang bị các loại máy bay ném bom mới, không quân Mỹ sẽ lấy các loại máy bay và vũ khí hiện có làm trọng điểm cải tạo, nâng cấp. Nâng cấp khả năng nhận thức tình huống, đường truyền số liệu 2 chiều Link 16, thiết bị ngắm tiêu chuẩn laser và hệ thống máy tính sẽ biến các loại máy bay ném bom thành một “cỗ máy chiến tranh” toàn diện

Sau khi được trang bị các tên lửa tấn công liên hợp ngoài khu vực phòng không và các loại bom thông minh, số lượng và phạm vi tấn công mục tiêu của máy bay ném bom được tăng lên rõ rệt. Tại Đại hội Hàng không và Vũ trụ năm 2012, không quân Mỹ đã xem xét khả năng trang bị tên lửa chống hạm tầm xa thế hệ mới trên máy bay ném bom B-1B, dự kiến đến năm 2016 - 2018 sẽ hoàn tất kế hoạch này.

2. Duy trì ưu thế tuyệt đối nhờ những "sát thủ" vô hình không người lái

Máy bay chiến đấu không người lái trên tàu sân bay X-47B của Mỹ

Nhiệm vụ chính trong giai đoạn tiếp theo của không quân Mỹ là thành lập các liên đội máy bay không người lái, để hoạt động ở tất cả các khu vực trên thế giới, đồng thời trọng tâm đầu tư của quân đội Mỹ sẽ là các phương tiện chiến tranh điện tử và các máy bay cảnh báo sớm.

Thành lập liên đội máy bay không người lái, giải quyết nút thắt về “kho dữ liệu toàn cầu”

Mấy năm gần đây, các phương tiện bay không người lái của Mỹ được phát triển rất mạnh cả về chiều sâu lẫn bề rộng, biểu dương uy lực trong chiến tranh hiện đại. Theo tính toán, số lượng máy bay không người lái từ tầm trung trở lên của Mỹ hiện có là hơn 400 chiếc và con số này vẫn đang tiếp tục tăng, cho đến năm 2020 Mỹ sẽ có khoảng hơn 800 chiếc.
Ngoài ra, kế hoạch của quân đội Mỹ còn thể hiện, trước năm 2020, số lượng máy bay có người lái dự bị của lực lượng hàng không Mỹ sẽ giảm đi 10%, còn số lượng máy bay không người lái đa chức năng của không quân hải quân Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay.
Nhiệm vụ chính trong giai đoạn tiếp theo của không quân Mỹ là thành lập các liên đội máy bay không người lái để hoạt động ở tất cả các khu vực trên thế giới. Nhưng để thực hiện được điều này họ đang vấp phải một khó khăn rất lớn là vấn đề xử lý lớn số liệu, bởi vì muốn sử dụng UAV trên diện rộng thì họ cần phải thu thập các loại số liệu có liên quan trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 24/04/2013 vừa qua, Trung tướng James, người phụ trách toàn bộ các sự vụ có liên quan đến máy bay không người lái của quân đội Mỹ, đã công khai dự định của Mỹ là chế tạo một loại siêu UAV mới, có khả năng tích hợp được toàn bộ các số liệu thu thập được của 4 loại máy bay không người lái tốt nhất hiện có là MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper, RQ-4 Global Hawk , RQ-170 Sentinel và X-47.

Hiện nay, trong điểm phát triển của máy bay không người lái Mỹ gồm có 2 vấn đề, một là nâng cao thời gian hành trình liên tục, hai là tăng cường số và chất lượng các thiết bị cảm biến để nâng cao cự ly trinh sát và giám sát. Hạn chế lớn nhất của các loại UAV hiện có là chất lượng ảnh chụp thấp trong khi UAV đang bay với tốc độ và trần bay cao. Đồng thời các loại UAV hiện đang sử dụng đều rất dễ bị kẻ địch bắn hạ.
Ngoài các chiến trường Afghanistan và Iraq - nơi quân phiến loạn chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng không vác vai tầm thấp, những loại máy bay không người lái này khó có thể toàn mạng khi hoạt động trước các hệ thống phòng không hiện đại của các đối thủ khác. Thế nhưng, để nâng cao thời gian hành trình liên tục và tính năng của các thiết bị cảm biến, không quân Mỹ đứng trước một vấn đề rất nan giải là khả năng quản lý và xử lý các kho dữ liệu lớn.
Về vấn đề thành lập các liên đội máy bay không người lái, vấn đề chủ yếu phải giải quyết là phối hợp có hiệu quả nhiều loại UAV khác nhau, làm sao để lựa chọn hợp lý, phát huy được khả năng bổ trợ giữa các UAV để hình thành ưu thế tuyệt đối. Sự hình thành các liên đội máy bay không người lái với khả năng lưu không dài, thu thập số liệu đa dạng cũng dẫn đến các thách thức về quản lý, xử lý và sử dụng có hiệu quả kho dữ liệu khổng lồ này.
Vì vậy, không quân Mỹ hiện đang xây dựng kế hoạch dài hạn để đối phó với những thách thức về thông tin số liệu trong tương lai. Bước thứ nhất của bản kế hoạch này là tối ưu hóa kết cấu mạng lưới thông tin, dựa trên các yêu cầu tác chiến để lưu trữ an toàn các số liệu. Bước thứ 2 là cải tiến theo hướng đồng bộ hóa tất cả các phần mềm lưu trữ, xử lý các số liệu tình báo thu thập được trên UAV, vệ tinh và máy bay trinh sát có người lái.
Điều này có nghĩa là không quân Mỹ sẽ thoát ly hoàn toàn sự dựa dẫm vào phương pháp quan sát trực quan bằng mắt thường, đồng thời phải phát triển và kết nối kho số liệu trinh sát điện tử - quang học với kho dữ liệu trinh sát vô tuyến điện. Nếu như các phần mềm mới phát triển có thể giải quyết vấn đề này, kỹ thuật xử lý thông tin sẽ không còn gói gọn trong phạm vi quân sự, mà sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại dân dụng.

Duy trì ưu thế tuyệt đối trên không trong 30 năm tiếp theo

Ngoài các vấn đề trên, một trọng tâm đầu tư của quân đội Mỹ là các phương tiện chiến tranh điện tử và các máy bay cảnh báo sớm. Nguyên nhân chủ yếu là do các "vũ khí tấn công đặc biệt" này có tốc độ siêu nhanh, “bộ chiến đấu vô hình” có tính linh hoạt cao và uy lực sát thương ghê gớm, đóng vai trò quyết định trong duy trì ưu thế tác chiến của quân đội Mỹ. Máy bay tác chiến điện tử có tốc độ gây nhiễu cao làm tê liệt toàn bộ các hệ thống radar và hệ thống chỉ huy, thông tin của đối phương; máy bay dự cảnh có thể trinh sát, giám sát, đồng thời tìm kiếm, cứu viện, quản chế giao thông trên không trong phạm vi chiến trường rộng lớn.
Các kho dự trữ không vận của không quân Mỹ cũng sẽ được duy trì “mạnh mẽ và ổn định”. Trong bản kế hoạch cho biết, số lượng các máy bay vận tải chiến lược vẫn sẽ được duy trì ổn định, dự kiến đến trước năm 2020 vẫn duy trì ở con số 312 chiếc. Ngoài ra, các máy bay tiếp dầu và máy bay vận tải chiến thuật cũng sẽ ổn định như hiện nay hoặc là tăng lên. Theo bản kế hoạch, đến năm 2020, Mỹ sẽ sở hữu 537 chiếc máy bay tiếp dầu và 538 máy bay vận tải chiến thuật.
Mỹ còn đang chuẩn bị phát triển máy bay tấn công thế hệ thứ 6. Đến năm 2040, tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 sẽ hoàn toàn bị thay thế bởi các máy bay chiến đấu thế hệ mới này. Hiện quân đội Mỹ đang đánh giá những thách thức họ có thể phải đối mặt và các thế hệ vũ khí thay thế kế tiếp.

Trong tương lai, việc sở hữu các loại máy bay không người lái và có người lái cùng với các loại vũ khí tấn công ngoài khu vực phòng không thế hệ mới sẽ làm đảo lộn các quan niệm về máy bay chiến đấu hiện nay. Hiển nhiên, tất cả những vấn đề được nêu ra trong bản kế hoạch phát triển không quân sẽ duy trì ưu thế tuyệt đối trên không cho không quân Mỹ trong 30 năm tới.
Nguyễn Ngọc/ e-news.vn (Defence News)

 
 
Nam Yết chuyển

No comments: