Saturday, September 14, 2013

Syria đã bí mật di chuyển các kho vũ khí hóa học _NgV


Syria đã bí mật di chuyển các kho vũ khí hóa học

Tờ Wall Street Journal đưa tin, một đơn vị tinh nhuệ đặc biệt của quân đội Syria đã được giao nhiệm vụ phân tán các kho vũ khí hóa học đang nằm rải rác trên khắp đất nước Syria. Việc làm này có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình và dấy lên những nghi ngờ về tính có khả năng thực hiện đề xuất mà Nga đưa ra.
Ngày 12/9, Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, một đơn vị quân đội bí mật có tên “Đơn vị 450” đã bí mật di chuyển các kho vũ khí trong nhiều tháng qua để tránh việc bị phát hiện.
Những quan chức này cũng cho rằng, việc di chuyển sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ nhằm trừng phạt cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của Damascus.
Tạp chí cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ và Israel vẫn tin rằng họ biết rõ vị trí của hầu hết các kho vũ khí hóa học của Chính phủ Syria. Nhưng một quan chức cho rằng, “những gì chúng ta biết ở thời điểm cách đây 6 tháng đã khác xa so với hiện tại”.
Mỹ và các đồng minh đã lên tiếng tố cáo chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở gần Damascus hôm 21/8 khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng, trong đó có hơn 400 trẻ em. Trong khi đó, Tổng thống Assad và Nga lại đổ lỗi cho lực lượng phiến quân mới chính là thủ phạm thực hiện vụ tấn công nói trên.

Hơn 400 trẻ em trong số 1400 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở gần Damascus, Syria hôm 21/8 .

Ngày 12/9, Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã bắt đầu có cuộc đàm phán cấp cao ở Geneva để bàn thảo về kế hoạch thực hiện đề xuất của Nga đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, theo ước tính của Washington, “kho hóa chất và các tác nhân sinh học của Syria có thể lên đến 1.102 tấn, thậm chí còn có thể nhiều hơn”.
Cách đây khoảng 1 năm, kho vũ khí thường được lưu giữ tại một số địa điểm ở phía tây Syria đã bắt đầu được phân tán đến gần 20 địa điểm lớn. Theo tờ Wall Street Journal, “Đơn vị 450” đã di chuyển các kho vũ khí đến hàng chục địa điểm nhỏ hơn. Washington cho rằng, hiện số vũ khí đã được phân tán đến 50 địa điểm trên khắp đất nước Syria.
Ngày 12/9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lần đầu tiên xác nhận Syria dự định giao nộp vũ khí hóa học giữa lúc Mỹ thúc giục ông cùng đồng minh Nga hãy nhanh chóng thực thi cam kết.

Mặc dù Nga đã đưa ra bản kế hoạch bốn bước nhằm kiểm soát và xử lý vũ khí hóa học của Damascus, song các chuyên gia đều cho rằng đề nghị của Nga không dễ thực hiện trong bối cảnh Syria đang trong một cuộc nội chiến ác liệt.
Báo cáo điều tra vũ khí hóa học ở Syria do các thanh sát viên LHQ tiến hành dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/9, tài liệu này dự kiến cho thấy vố số bằng chứng về chất hóa học tác động đến thần kinh được sử dụng trong cuộc tấn công, theo nguồn tin của tờ London Times.
Hoa Kỳ và Pháp, nước ủng hộ chính của Washington trong hành động quân sự chống Syria, đã cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép kế hoạch giao nộp vũ khí hóa học trở thành “chiến thuật câu giờ” trong cuộc chiến tàn bạo ở Syria.
Liên Hiệp Quốc cho biết, họ đã nhận được văn bản của Syria xin tham gia một hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hóa học toàn cầu như là một phần của thỏa thuận để tránh bị Mỹ tấn công quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ biểu lộ phản ứng bực bội hiếm hoi trong nghi thức ngoại giao với người đồng cấp Nga

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu phiên dịch viên lập lại phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
trong cuộc họp về kế hoạch phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria tại Geneva hôm 12/9. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua, 12/09, yêu cầu người phiên dịch lập lại lời bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, một hành động hiếm khi xảy ra trong các cuộc họp báo cấp cao.
Sự việc xảy ra khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trước cuộc họp về kế hoạch phá hủy vũ khí hóa học của Syria tại Geneve, Thụy Sĩ hôm 12/9. Khi cuộc họp báo kết thúc, Kerry yêu cầu người phiên dịch Nga nhắc lại những câu cuối cùng trong bài phát biểu của ông Lavrov vì tai nghe của ông đột nhiên im lặng khi người đồng nhiệm Nga phát biểu.
Ngay tức thời Lavrov hiểu ra rằng Ngoại trưởng Mỹ muốn nghe chính xác lại những lời bình luận cuối cùng, ông cố gắng trấn an Kerry rằng những lời bình luận đó không chứa nội dung gây tranh cãi.
"Những câu ấy rất ổn, John ạ. Ngài đừng lo lắng", Lavrov nói.
Giới phân tích nhận định việc Kerry yêu cầu phiên dịch viên nhắc lại lời bình luận của Lavrov phản ánh bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Syria.
Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện thái độ cứng rắn trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm phía Nga hôm 12/9. Ông bác bỏ yêu cầu của Nga về việc bắt đầu hoạt động phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria bằng một "quy trình tiêu chuẩn", theo đó Damascus sẽ công bố thông tin về vũ khí hóa học, chứ không cung cấp vũ khí. Và việc cung cấp thông tin cũng sẽ không diễn ra ngay lập tức.
"Chúng tôi không chấp nhận đề xuất đó. Mỹ không cảm thấy yên tâm với những lời hứa của chính phủ Syria. Đây không phải là một trò chơi", ông Kerry phát biểu.


Chiến hạm Nga, Mỹ (và đồng minh) trong chảo lửa Syria

Trong một diễn biến khác, hãng tin RIA Novosti của Nga hôm 13/9 dẫn lời Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh Hải quân Nga, cho biết Nga sẽ tăng số lượng tàu chiến ở Địa Trung Hải lên 10 chiếc.
Đô đốc Chirkov nói rằng lực lượng Hải quân Nga sẽ tập trung cả ở ngoài khơi bờ biển Syria, “để phòng ngừa những mối đe dọa nhỏ nhất đối với biên giới và an ninh quốc gia”. Ông khẳng định, việc hiện diện tại những nơi gia tăng mức độ căng thẳng là “thực tiễn chung của tất cả các lực lượng hải quân trên thế giới”.
Các tàu chiến của Nga đang hiện diện ở Địa Trung Hải gồm các tàu đổ bộ cỡ lớn "Peresvet", "Đô đốc Nevelsky", "Minsk", "Novocherkassk", "Aleksandr Shabalin”, chiến hạm chống ngầm "Đô đốc Panteleev" và tàu khu trục "Neustrashimyi".
Trong thời gian sắp tới, tuần dương hạm "Moskva", khu trục hạm "Smetlivyi” và tàu đổ bộ cỡ lớn "Nikolai Phylchenkov" cũng sẽ góp mặt vào thành phần đội tàu hùng hậu của Nga đang dàn ở Địa Trung Hải.
VOV/PNTP, ZingNews (Reuters, CNN, RIA Novosti)

Nam Yết chuyển

No comments: