Saturday, December 14, 2013

Bềnh Bồng Trên Những Dòng Sông Quê Hương_Zuyên hồng trần






 Sông Kỳ Cùng


-Ông Trần Văn đâu???, ông Trần Văn đâu???

Tiếng gõ cửa rầm rập.   Mợ dấu anh cả sau cánh cửa và phân trần với đám Việt Minh:

-Chồng tôi  đi vắng,  không có nhà. 

Tên trưởng toán, mặt mũi đằng đằng sát khí quơ súng quát tháo, sai cả bọn đi lục lọi quanh nhà. Mợ  nép mình dấu anh cả sau cánh cưả. mặc cho bọn thổ phỉ chia nhau xăm xoi vào các chum vại, chúng lật tung mùng mền, chăn chiếu, đổ cả nồi niêu, cơm nước văng tung toé ra trên nền nhà. Lùng sục khắp trong nhà, ngoài ngõ không thấy ba đâu,  cả bọn hậm hực rồi bỏ đi không quên buông lời hằn học doạ dẫm:

- Bà khôn hồn gọi ông ấy về đầu thú cách mạng đi.






Đợi cho đám Việt Minh đi khỏi, mợ nói với chúng tôi

-Giờ này ba các con chắc đã vượt biên giới qua Tàu rồi.  

Mợ hay kể chuyện về ba cho các con nghe, ba theo Việt Nam Phục Quốc Hội hoạt động chống Pháp và chống Việt Minh, hay đem súng về nhà cất dấu và thường đi khỏi nhà vào lúc ban đêm.  Lạng Sơn vào năm 1945-1946, Pháp và Việt Minh tranh nhau dành giật mảnh đất biên giới này để dành quyền sử dụng đường thông thương qua Tàu và ngăn chặn địa bàn hoạt động của các nhà cách mạng quốc gia ái quốc không ưa thực dân và cộng sản. Cứ mỗi lần ba bị Pháp bắt đi tù thì ở nhà mợ lại sinh nở.  Ba kể lại khi mợ sinh Trần thì ba bị Pháp bắt giam tại nhà tù Sơn La nằm mơ thấy con chó lớn, đầu có hai cái xoáy.  Khi mãn tù về đến nhà ba xoa đầu Trần và thấy hai xoáy, ba thích lắm và dắt Trần đi chợ Kỳ Lừa chơi. Trên đường đi ra chợ, một đoàn xe tăng của Pháp ầm ầm đi ngược chiều tung bụi mù trời. Bỗng một tràng súng đại liên nổ vang, đầu Trần đau buốt, mắt nháng lửa. Ba nhoài người nằm úp xuống che phủ thân Trần và Trần ngất đi lúc nào không hay.   Lúc tỉnh dậy trần thấy mình nằm trên giường trong nhà thương, đầu nhức ê ẩm, mùi ê te xông nồng nặc, ba đứng trầm ngâm bên cạnh. Cô đầm y tá trong bộ quần áo trắng toát dịu dàng nựng cằm Trần và luôn miệng khen:

-          Très joli, très joli !!!    

Về tới nhà, ba nói với mợ:

- Cũng may cho hai bố con, lính Tay trên xe tăng bị cướp cò súng , đạn liên thanh bắn ria vào tường, vôi vữa văng ra trúng hai bố con nên chỉ bị xây sát chứ không là ngủm rồi.

Ngày còn bé, Trần có chiếc bụng ỏng, đôi chân xe điếu lỏng khỏng nên mất thăng bằng hay bị ngã.  Ðám người Thổ giúp ba ép dầu trẩu để làm sơn thấy vậy bèn đặt tên Trần là tu Cấp. 

Trần hỏi tu Cấp nghĩa là gì, ông già Báng, người Thổ cười lớn, nhe hàm răng đen xiêu vẹo, tay ông chỉ vào bụng Trần:

-          Tu Cấp là con cóc ấy, bụng ỏng hay ngã thì gọi là Tu Cấp là phải rồi.

Trần oà lên khóc về mách Mợ, Mợ chưa nói gì thì Anh Cả đã lòn ra phía sau tụt phăng quần Trần xuống. và chỉ cho cả nhà nhìn đôi chân đầy sứt sẹo của Trần. Anh cả chế nhạo chân Trần đầy đồng xu, đồng hào. Quá xấu hổ Trần dậm chân đành đạch, vừa kéo quần vừa chạy vội đến rúc vào người mợ, vừa khóc nức nở.  Mợ mắng yêu anh cả và quay sang vỗ về Trần. 



Anh cả có nước da đen bóng, anh có nụ cười má lúm đồng tiền rất tươi, rất có duyên  có lẽ vì vậy nên anh có nhiều bạn.  Anh rất thích thể thao, bơi lội giỏi, đá banh thì khỏi chê.  Trần thương anh cả lắm và phục anh ấy nữa nào là học giỏi này, nói tiếng Tây như gió.  Bà đầm Rosa, Trần hay  gọi bà ấy là bà Dâu Da, dạy Pháp văn tại trường Con Trai ( École des Jeune Fils) khen anh cả nói tiếng Tây giọng parisienne.  Tính anh cả rất thích pha trò và chọc phá.  Một hôm trong giờ học Nhạc, ông Thày người Pháp gọi anh ấy lên trả bài đọc nốt nhạc.  Cả lớp im lặng như tờ vì ông thày dạy nhạc này rất khó,  anh lững thững lên cạnh bàn thày quay về phiá các bạn học, thản nhiên cất cao giọng:

-          Són, són, són ..ra quần.

Nhìn anh vừa hát tay vừa đánh nhịp loạn sạ, cả lớp nhịn không nổi cười ồ lên.  Ông thày trừng mắt gõ thước kẻ đồm độp lên bàn, quát:

-silence!!! .

Quay trở về chỗ ngồi anh cả tủm tỉm cười nháy mắt nhìn cả lớp đang tiu nghỉu ngồi im lặng.  Không hiểu trong lớp có ai mách lại cho thày; rốt cuộc anh Cả bị  ông thày phạt hai buổi consigne chép phạt cuối tuần.



Anh Cả rất ghét giờ Sử, vì học toàn Sử Pháp mà lại có câu “nos ancêtres sont les gaulois”, nên anh hay cúp cua giờ này. Bà Rosa rất thông cảm,thấy anh Cả học rất dễ dàng và rất giỏi nên hỏi anh ở nhà có phải làm lụng gì không?  anh trả lời không phải làm gì.  Một buổi chiều sau khi tan học một lúc, bà Rosa dẫn một đám học trò con gái cưng của bà của trường École des Jeunne Filles đến tận nhà.  Bà thấy anh cả đang xách nước tưới cây sau vườn.  Với  đôi thùng trên tay, sững sờ nhìn thấy bà và đám  bạn học, anh cả chỉ còn biết cười trừ. 



Hôm ấy năm anh em hay rủ nhau thăm động Tam Thanh. Con đường vào hang ngoằn ngoèo như con rắn.  Nhìn đoàn người lũ lượt thắp đuốc làm bằng vỏ bánh xe ô tô cắt ra và đốt lên để soi đường đi trong hang,  Trần cảm thấy rời rợn lạnh cả gáy.  Anh Sơn, anh trai kế của Trần  đang đi, bỗng vấp chân ngã xuống vực, anh cả nhanh tay kéo lên, may mắn anh Sơn không sứt sát gì.  Từ đó anh Sơn có tên là anh Sụt.



Hang Tam Thanh là nơi dân Lạng Sơn hay vào trú ẩn, mỗi khi có máy bay đồng minh hoặc cuả Pháp đến oanh tạc.   Năm 1946, Pháp cho nhẩy dù chiếm lại Lạng Sơn,  dân chúng sợ hãy ùn ùn kéo vào Tam Thanh lánh nạn. Một anh Việt Minh nổi cơn hăng tiết vịt nói:

-Cái hang này rất an toàn,  Máy bay Tây chẳng làm gì được.  

Nói xong, anh ta làm oai đi về phía cửa hang, tụt quần, chià mông làm công việc bài tiết.  Bỗng có tiếng máy bay ào ào và một tràng liên thanh nổ vang chát chúa, anh chàng Việt Minh mặt xanh như tầu lá, ôm đít  đầy máu, chạy ào vào trong hang, một tay chỉ ra ngoài lắp bắp nói với mọi người:

-Máy bay Pháp, máy bay Pháp.



Thỉnh thoảng mợ hay dắt Trần về thăm ông ngoại gần hội Chi Chi bên tỉnh. Trần rất thích căn nhà tranh xinh đẹp của ông ngoại với nền đất nện lên nước bóng loáng, vách quệt rơm trộn bùn. Nằm trên tấm phản gỗ lim mát rượi, Trần nghe thấy tiếng đồng hồ quả lắc kêu tích tắc, tiếng võng của ông ngoại kêu kẽo kẹt, cơn gió ấm ngoài đồng thổi lùa vào nhà đem theo hương lúa chín.  Cảnh tịch mịch của đồng quê thật kỳ diệu và thần tiên đối với tuổi thơ của Trần, tâm trí Trần bay bổng lên tít trời xanh và chìm dần vào tiếng Mợ ru:



Ðồng Ðăng có Phố Kỳ Lừa.

Có nàng Tô thị có chuà Tam Thanh.

Ai Lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bố mẹ sinh thành ra em...



Năm anh chị em họ Trần 




Căn nhà gạch chắc chắn của ba mợ chỉ cách con sông Kỳ Cùng khoảng một trăm mét và cũng gần Ðền Kỳ Cùng.  Ngôi đền thật đẹp với kiến trúc cổ kính, mái cong chạm trỗ rất tinh vi, toàn cảnh trông uy tráng và linh thiêng.   Năm ấy nước sông Kỳ Cùng dâng cao, chảy siết mấp mé cầu sông Kỳ Cùng, dân chúng lũ lượt gồng gánh đi chạy lụt.  Ba mợ phải làm sà gỗ lên tận nóc nhà để cả nhà lên đó ngồi tránh lụt.  Căn nhà tranh của ông ngoại chìm trong dòng nước chỉ nhô lên mái tranh ướt sũng.   



Ba thì cứ bị Tây bắt giam khi thì ở nhà tù Lai Châu, khi thì Sơn La. Lắm lúc lại bị Việt Minh săn đuổi ba phải chạy qua Tàu tạm lánh nạn, mợ phải gồng gánh nuôi các con. 



Sau khi đậu kỳ thi tuyển, anh cả được gửi về  Hà Nội theo học Lycée Albert Sarraut với lời giới thiệu của bà Rosa.  Mặc dầu hoàn cảnh gia đình túng bấn, ba mợ cũng chắt chiu mua cho anh cả một chiếc xe đạp Peugeout mới toanh, sắm cả máy ảnh và đồng hồ nữa để anh khỏi thua kém đám con quan, con nhà giàu đồng học.



Việt Minh chiếm Lạng Sơn năm 1950,  ba và anh em Trần đi máy bay di cư  cùng đám dân Hoàng Triều Cương Thổ về Hà Nội.  Mợ ở lại Lạng Sơn để thuyết phục ông ngoại đi theo, nhưng ông ngoại nhất định không chịu đi.  Ba nói chị cả lên Lạng Sơn đón mợ về vì các em không ai trông coi. Chị cả phải mặc bộ quần áo thâm, đội nón sơn đen đi bằng đủ mọi phương tiện, nào đi bộ, xe thồ.. Trên đường đi bom đạn của Pháp thi nhau oanh tạc, chị bị sốt rét ngã nước thưà sống thiếu chết. May có đồng bào Thổ chỉ cho thuốc ngải uống nên hết bệnh. Chị thuyết phục được mợ bỏ buôn bán để về trông nom gia đình.



Sông Hồng Hà



Tiếng súng liên thanh kêu ùng ục từ cánh đồng xa vọng lại, trên không văng vẳng tiếng máy bay Dakota. Ánh mặt trời gay gắt trên đỉnh bầu trời cao lộng xanh thẳm vẽ riềm cho những cụm mây bông trắng xoá.  Từng ấy thứ  reo cái nóng gay gắt xuống miền châu thổ sông Hồng Hà làm cho những cánh đồng lúa khô cháy sau vụ gặt. Chân của những người nông dân thêm nứt nẻ và lòng dạ họ ngao ngán, khô héo.  Ðám dân thiểu số di cư được quốc trưởng Bảo Ðại cho tạm cư tại khu đình Ái Mộ sau đó rời về Nội Châu, ngoại ô Hà Nội.   Những truyền đơn đày mầu sắc vẽ hình Quốc Trưởng Bảo Ðại và dân chúng vây quanh, với hàng chữ:  Ðồng bào ơi, ôm lấy tôi, đến khi nào hết đói thì thôi.  Hình ảnh các anh lính nhảy dù của quân đội quốc gia được vẽ đội mũ lệch mầu đỏ trông thật hiên ngang, chất phác xuất hiện trong các truyện bằng tranh màu được đám trẻ con chúng tôi vồ lấy đọc ngấu nghiến. Trần thích nhất tờ giấy một đồng Bảo Ðại có in hình Đức Quốc Trưởng, mầu sắc vàng, xanh lá cây rực rỡ. Mỗi khi được Mợ cho một đồng mới toanh, Trần ép kỹ trong tập vở đi học để cho khỏi bị nhăn.



Một hôm tin quà viện trợ Mỹ đến.  Đồng bào tập trung tại sân đình sắp hàng để nhận quà.  Những kiện hàng được mở ra thơm phức, nào là quần áo đầy mầu sắc, nào là thực phẩm đóng hộp, nào là tập vở học trò giấy trắng phau, với bút nến vẽ màu.  Mùi vị thơm tho của những món quà Mỹ viện trợ và hình ảnh hai bàn tay nắm chặt trên các thùng quà  đã in sâu vào đầu óc non dại  từ lúc đó.  Những hộp bơ, phó mát, sữa bột do chính phủ và nhân dân Mỹ tặng bị đồng bào người thổ , mán đổ đi không thương tiếc vì họ chê mùi vị lạ không ăn được.  Họ để dành các hộp sắt để đựng nước.



Trần lãnh được một cái quần dạ mầu xanh lá cây có yếm che ngực rất vừa và rất đẹp, nhưng Trần không chịu mặc chỉ vì cái yếm, trông có vẻ yếm rãi trẻ con quá.  Một hôm trời thật lạnh, mợ bắt Trần phải mặc cái quần dạ này đi học.  Trần vùng vằng , phụng phịu  nhưng rốt cuộc chị cả cũng mặc được cái quần cho Trần.  Hôm ấy trên đê Yên Phụ, Trần xấu hổ vì đám con gái chế nhạo cái quần có yếm của Trần.  Trần tất tả chạy trước, đám con gái đuổi theo vừa lêu lêu Trần.  Ðám diễn hành trẻ con thấp thoáng ẩn hiện sau những bụi táo ta và làn sương mù dày đặc phả xuống bờ đê.



Năm 1953 anh cả tình nguyện vào quân chủng Không Quân của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam.  Nhìn hình ảnh chụp anh cả ăn mặc thường phục thật lịch sự , thắt cravat, đeo kiếng mát tươi cười cùng các bạn anh đi trên đường phố Sài gòn, Trần thấy anh mình đĩng đạc, sang trọng  và ra vẻ ”ông” lớn quá.  Tấm bưu ảnh mầu có hình chợ Bến Thành và mùi trầm cuả cái quạt được trạm trỗ công phu do anh cả gửi từ Sài Gòn biếu ba mợ đã làm Trần ngất ngây về miền Nam, nơi ấy như một phần đất rất là xa la, không khác gì một thành phố ngoại quốc và thật tân kỳ với những dinh thự, những chiếc xe taxi và cyclo máy.  Trần mong có một ngày nào sẽ đặt chân đến thành phố này. 



Không hiểu bị Việt Minh hoặc chó săn mật thám chỉ điểm, anh cả đã bị bắt giam tại bót Catinat vì bị tình nghi anh cả gia nhập Không Quân để qua Pháp phá hoại phi trường Marrakech hay Salon gì bên đó. Tại bót hắc ám này anh cả đã chịu đủ mọi món tra tấn của thực dân Pháp.  Anh kể lại chúng đã cho anh đi tàu bay bằng cách treo ngược chân và đổ nước mắm và sà bông vào mũi.  Sau cùng chúng đã phải thả anh ra vì thấy anh vô tội. 






Hà Nội 1953, ba tiễn anh cả vào Sài Gòn học khoá sĩ quan Không Quân



Sau Hiệp Ðịnh Genève, đồng bào Hoàng Triều Cương Thổ lại một lần nữa di cư về Ðà Lạt.  Ngay từ lúc đầu,  những chú bò của cụ Diệm phát cho đồng bào để làm ruộng bị ngả ra làm thịt.  Lần hồi tình trạng định cư được ổn định, mọi người tự túc  lo làm ăn, Tùng Nghĩa trở nên trù phú.  Trần đi học cùng với các cô Thái Trắng bằng tuổi chị cả của Trần.  Các cô gái cao nguyên xinh đẹp này có họ Ðèo và chữ lót là Nàng hay mặc váy satin đen dài đến gót chân ôm gọn bộ mông tròn tròn lẳn.   Chiếc eo thon của các cô nàng được thắt bằng những giải lụa xanh đỏ.  Các cô mặc bộ áo cánh chẽn mầu trắng bó sát những bộ ngực tròn trĩnh căng tràn nhựa sống, và được tô điểm thêm bằng một hàng khuy bạc trạm trỗ rất tinh xảo.  Những thằng nhóc con tinh nghịch đã vấn giấy làm đạn, bẻ thành hình chữ V gắn lên sợi dây cao su nhằm những bộ mông tròn được bọc bằng váy satin bóng lưỡng của các cô Thái mà bắn sẻ khiến cho các cô ấy đau điếng la oai oái.  Các cô nàng đuổi theo chúng tôi, bắt được Trần là các cô ấy vẹo tai, bẹo má và cốc vào đầu đau điếng, nhưng chúng tôi chứng nào vẫn tật đó.



Có lần cụ Diệm về Tùng Nghĩa thăm đồng bào thiểu số và ngủ qua đêm.  Trường Tiểu Học của Trần được quét dọn thật sạch sẽ,  trang hoàng rất đẹp để làm chỗ ngủ và nghênh đón Tổng Thống.  Đêm đó dưới ánh lưả bập bùng, cụ Diệm tâm sự với đồng bào rằng ông rất nhớ ơn một người miền núi đã cứu ông thoát khỏi sự lùng bắt của Việt Minh và ông đang tìm người này để trả ơn. Các cô Thái trắng bạn học với Trần được dịp biểu diễn múa xoè thật đặc sắc để Tổng Thống thưởng ngoạn. Cụ Diệm khoản đã đồng bào một bưã tiệc được các đầu bếp giỏi nấu nướng rất cầu kỳ.  Lần đầu tiên trong đời chưa bao giờ Trần được ăn một bưã ăn ngon như vậy.





Đang làm cai phu lục lộ kiểng tại Dran, anh cả có giấy gọi gia nhập Hải Quân và theo học tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Theo đề nghị của anh cả,  cả gia đình theo anh di chuyển về  Sài Gòn để tiện việc học hành cho các anh em.  Một buổi trưa đẹp nắng, anh cả đèo Vespa đưa Trần vào thăm Quân Vận Hạm HQ 534 đậu tại cầu tầu sau trại Cửu Long. Bước qua sàn tầu được sơn xám đậm còn thơm phức mùi sơn mới, Trần hồi hộp theo anh cả vào cabin Hạm Trưởng, căn phòng nhỏ nhắn và thật ngăn nắp.   Lần đầu tiên được bước xuống một chiến hạm của Hải Quân Việt Nam thật là kỳ thú.  Trần say mê lật những bức hình màu có vẽ ông hạm trưởng râu xồm ngậm ống vố trong cuốn truyện Tintin bằng tranh  trên bàn viết của anh cả, choáng ngợp mộng viễn du.  Anh cả kể chuyện đi tầu ra Côn Sơn, Phú Quốc và hay đi qua mũi Cà Mâu.  Trần nói anh Cả:

 -Có khi nào anh đưa tay sờ Mũi Cà Mâu chưa?

Anh Cả trả lời:

 -Khi còn ở Lạng Sơn, anh có sờ được cửa Ải Nam Quan nhưng anh chưa bao giờ dám sờ mũi Cà Mâu cả, vì khi đi tầu mà với tay sờ được Mũi Cà Mâu thì tầu anh đã nằm trên cạn rồi.

Hai anh em cùng cười vang và nhìn ra mặt sông đục ngầu phù sa đang chảy siết theo chiều nước dòng ra khơi. Một cơn gió thoảng đem hơi mát của nước sông phả vào mặt Trần thật dễ chịu.  Mùi nước sông, mùi tanh cá, mùi sơn mới, mùi dầu nhớt trộn lẫn với nhau thành một mùi đặc biệt rất là Hải Quân. Chuyến thăm chiến hạm của anh cả đã ghi một kỷ niệm đậm nét về tầu bè và đời thuỷ thủ. 



Những chuyến viễn du của anh cả được chuyển về gia đình bằng những bưu ảnh của nữ thần Tự Do, toà nhà chọc trời Empire State Building, kinh đào Panama, Subic Bay, Bangkok làm Trần say sưa cuộc sống đi biển.  








 New York 1962, anh cả và một em gái Mỹ đứng trên đài chỉ huy Hộ Tống Hạm Chi Lăng, chiến hạm đang băng ngang tượng nữ thần Tự Do




Anh cả dù theo Tây học và đi ngoại quốc nhiều; tuy nhiên con người anh rất Việt nam.  Anh rất nhớ những ngày giỗ của gia đình, nếu không có việc bận lúc nào anh cũng có mặt để lo việc cúng kiến.  Tết đến là anh lãnh nhiệm vụ xông nhà và không quên đem một đoá ngọc lan cài lên mái tóc điểm sương của mợ.  Anh hay nói mùi hương ngọc lan quyện với mùi trầu cau mợ hay dùng dậy lên sự nồng ấm của tình mẫu tử.   Các con của anh cả, thay vì anh cho  đi học trường Tây thì anh lại gửi các cháu vào học trường Việt.



Một hôm đi học về, anh cả dẫn tôi ra cổng trại Văn Thánh, hai anh em đi bên nhau im lặng một lúc lâu, anh cả nhìn tôi hỏi: 

-Trần có ý kiến gì khi anh muốn tham dự toán đánh ra Bắc bằng tàu hải quân, Anh thì mới lập gia đình, ba mợ đã già, các em còn đi học?.

Trần bàng hoàng khi anh cả đặt mình vào trường hợp quyết định cho cuộc đời cuả anh và sự sống còn cuả gia đình, Trần chỉ dưng dưng nước mắt và nhìn anh không cất nên lời.

Và anh đã làm gương cho các em và nối chí ba phải đánh cộng sản ngay trúng tim cuả con quái vật này.



Mợ và chúng tôi đã ra Đà Nẵng thăm anh cả trên một chiếc PGM, vưà đến cưả vịnh, chúng tôi thấy một con tàu nhỏ chạy nhanh như cắt bỏ lại một vệt sóng vạch dài trên mặt biển xanh ngắt, Hùng, em Trần chỉ theo và hét to:

-Chắc tàu cuả anh Lum đó !!!

Hùng, cậu em út hay gọi yêu anh cả là anh Lum.

Các thuỷ thủ cũng chỉ chỏ và trầm trồ vận tốc cực nhanh cuả chiến đĩnh; họ cho Trần biết đó là loại PT, tàu phóng lôi chuyên thả biệt kích ra Bắc.


Gặp mợ và các em , anh cả mừng lắm, anh cứ xoa cằm nói đuà:

-Tối hôm về, khi tàu anh chạy qua Hòn Cọp, tụi VC chiếu đèn pha làm cháy cả râu anh.

Anh cả kể chuyện ra tận Hải Phòng, Bạch Long Vĩ, Quảng Bình đổ quân, pháo kích, thả truyền đơn…và những vết đạn chí tử cuả kẻ thù, khiến các em cứ phục lăn.



Sau mấy năm vất vả với mảnh bằng Tú Tài II ban Toán,  Trần theo vết chân anh Cả, tình nguyện gia nhập Hải Quân. Ngày mãn khoá cũng là ngày Trần chuẩn bị trở về Sài Gòn để nghỉ phép và nhận lệnh thuyên chuyển.  Khi chiến hạm chở  các tân Thiếu Uý mới ra trường cặp bến Bạch Ðằng thì trời mưa lất phất. Anh cả mặc áo manteau bằng dạ mầu tím than Hải Quân lái xe jeep ra tận cầu tàu đón Trần.  Trần giơ tay thẳng tắp chào anh, lòng ấm áp tình huynh đệ và cảm thấy hãnh diện và yêu quý anh hơn lúc nào hết.

Anh cả

Trong tuần nghỉ phép, anh cả cho tôi tham dự một chuyến tuần tiểu do Thiếu Uý Lạc, K15 tại VC island, Cát Lái.  Ông Thiếu Uý nổi tiếng sát Cộng này cho PBR đi sâu vào các con lạch nhỏ síu, chỉ vưà vặn cho chiếc tiểu đĩnh này lòn lách qua.  Trong không khí thù nghịch ngột ngạt chung quanh, Trần đã được Thiếu Uý Lạc cho thử một tràng tiểu liên AK, chiến lợi phẩm cuả Giang Đoàn 51 Tuần Thám.



Trần được thuyên chuyển xuống Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ 504 sau khi phục vụ một thời gian tại Căn Cứ Hải Quân An Thới, Phú Quốc và Tuần Duyên Hạm Phú Quý HQ 617.  Chiến hạm thuộc loại chuyên chở hơi cồng kềnh và lại hay đi về sông Sài Gòn luôn sau những chuyến công tác vận chuyển ngắn ngày. Tháng 4 năm 1972, chiến hạm rời cầu B trên đường đi công tác Thuận An trong mùa Hè đỏ lửa,  lòng tầu chứa đầy chiến xa. Qua khỏi Nhà Bè, Trần nhận trưởng phiên giang hành và chiến hạm kéo còi nhiệm sở tác chiến trong sông.  Thuỷ thủ đoàn với áo giáp, nón sắt chạy  thoăn thoắt đến các ụ súng, khoác áo giáp, đội nón sắt và lên đạn một cách thuần thục. HQ 504 với vận tốc 10 gút đang đi ngang Coupe de l'Est, đây là một khúc quẹo rất gắt do người Pháp đặt tên. Trần ra lệnh cho phòng lái:

  -Trái 15 ( 15 độ ). 

Trần quan sát quán tính chiến hạm, thay vì mũi tầu sẽ qua trái thì laiï quay vùn vụt qua phải, toán lính địa phương quân trong đồn tại mũi đất hoảng hốt xách ba lô chạy ra khỏi đồn vì thấy mũi tầu lù lù đâm vào đồn.  Trần bình tĩnh cho tay lái số không, mũi tầu tạm thời ổn định, Trần ra lệnh tiếp trái 20, mũi tầu lại vẫn tiếp tục quay về phía phải.  Rốt cuộc anh chàng Hạ Sĩ Vận Chuyển cầm tay lái mắc tội lơ đễnh, lo ra nghe lệnh một đằng lại lái một nẻo bị thay thế bởi ông Thượng Sĩ Trưởng Ngành và anh ta tạm thời được Hạm Phó cho “ tĩnh dưỡng “ tại hầm lái tay*.



Xong công tác chuyển chiến xa cho đơn vị bạn tại Thuận An, trên đường về bến Sài Gòn, HQ 504 được lệnh ghé Chu lai chở giáo dân từ về Bình Tuy  lập nghiệp.  Sau cả ngày điều khiển cần trục bốc đồ đạc của đồng bào lên tàu,  Trần cảm thấy nao nao nhìn những giáo dân miền Bắc lại một lần nữa lại gồng gánh tản cư. 



Khi mũi tầu quay ra cửa biển Chu lai thì vừng trăng tròn từ từ nhô lên khỏi chân trời toả ánh sáng dịu dàng trên mặt biển gọn sóng lăn tăn.  Bỗng cả ngàn đồng bào không ai bảo ai, cùng cất cao tiếng hát:



Mẹ ơi đoái thương cho nước Việt Nam

Lửa binh biến, chiến tranh điêu tàn

Mẹ hãy ra ơn non nước bình an

Cho Việt Nam hát khúc vinh quang.



Cả tầu bàng hoàng đến rơi lệ trong tiếng hát trầm thống, nức nở này.



Trần nhận phiên giang hành đưa HQ 504 từ Vũng tàu về Sài Gòn.  Thông thường khi chiến hạm về ngang Kho 5 là Hạm Trưởng lấy quyền chỉ huy chiến hạm của Sĩ Quan Trưởng Phiên, nhưng sao hôm nay Trần không thấy ông Hạm nói gì, Nhìn những chiếc ghe lao vùn vụt qua mũi chiếc Dương Vận Hạm trọng tải trên 3000 tấn,  Trần bình tĩnh ra lệnh lái và kéo còi để cảnh báo các ghe thuyền qua lại trên sông.  Trần hay nghe các bạn Hải Quân có kinh nghiệm kể lại là theo sự mê tín của giới thương hồ thì ghe nào vượt qua mũi được tầu lớn là sẽ làm ăn khấm khá nên thỉnh thoảng có vài ba chiếc ghe bị tàu chẻ làm đôi.  Khi chiến hạm đi ngang Bộ Tư Lệnh Hải Quân và các chiến hạm có Hạm Trưởng thâm niên hơn, nhân viên Giám Lộ thổi còi chào, Hạm Trưởng cùng Sĩ Quan trên đài chỉ huy và trên boong cứng người giơ tay chào kính một cách nghiêm chỉnh theo truyền thống lễ nghi của Hải Quân quốc tế. Còn cách Tân Cảng khoảng 200 mét,  Hạm Trưởng bảo Trần kéo còi nhiệm sở vận chuyển cặp cầu.  Trần thở phào nhẹ nhõm và đi vào nhiệm sở của mình.  Tầu cặp bến xong,  Phân Ðội của Trần miễn trực được phép đi bờ**,  Trần vội vàng  kêu xe về thăm mợ. Trên đường đi, lơ đãng nhìn phố phường Sài Gòn lũ lượt ngựa xe, Trần dồn trí tưởng tượng đến món canh cua, rau đay thơm ngào ngạt ăn với cà pháo chấm mắm tôm mà mợ hay nấu cho Trần ăn khi tầu về bến.



Sông Vàm Cỏ Ðông



Trần được thuyên chuyển đến Giang Ðoàn 54 Tuần Thám tại Bến Kéo, Tây Ninh.  Mợ cứ  nhìn Trần cười để lộ  hàm răng đen bị mất hai chiếc răng cửa và nói:

-          Ðổi đi đâu không đổi lại đổi về chỗ có tên Bến Kéo, nghe buồn cười quá.

  

Trần cũng chẳng hiểu tại sao người ta đặt tên nơi này là Bến Kéo, chắc họ dùng để kéo gỗ quá.  Nhưng rồi công việc bận rộn, Trần cũng chắng có thì giờ tìm hiểu.  Ðang ở chiến hạm đời sống quy củ, quân phong quân kỷ được tôn trọng triệt để, Trần không thể chịu nổi nếp sống, bừa bãi, phóng túng của nhân viên Giang Ðoàn.  Mỗi sáng thứ Hai, sau khi chào cờ thường có thanh tra quân phục. Là Chỉ Huy Phó Giang Ðoàn, Trần đã yêu cầu một Thuyền Trưởng Giang Tốc Ðĩnh lột bỏ chiếc mũ nồi đen trên đầu để thay thế bằng chiếc mũ trắng Hải Quân. Vàm Cỏ Ðông rộng trung bình khoảng 100 mét, càng xuôi về vùng Gò Dầu Hạ càng nở rộng ra, tuỳ theo mùa nước lúc đục ngầu phù sa, nước lúc trong mầu xanh rêu.   Khi thì lục bình trôi đầy sông, các giang đĩnh di chuyển rất vất vả; các thuỷ thủ thường có cây gậy một đầu có móc để móc lục bình bị ống phản lực hút vào trong mùa lục bình.  Những cánh hoa tím của những bè lục bình ẩn hiện trong làn sương sớm hoà lẫn tiếng kêu buồn bã của loài chim bìm bịp đã khiến cho mặt sông trở nên quạnh quẽ, cô liêu, gieo vào lòng đám thuỷ thủ nao nao nỗi nhớ nhà. Một buổi tối, Trần và các sĩ quan độc thân  đang đứng hóng mát dưới ánh đèn sáng choang của căn cứ, bỗng một con côn trùng trông giống như một con dán thật to bay đụng vào người Trần, rồi hai, ba rồi cả chục cả đàn cả trăm con bay ào ào tới đụng bóng đèn rớt la liệt xuống đất.  Trần coi kỹ lại và bẻ một con ra làm đôi và khám phá ra được bọc nước thơm, Trần nói với các bạn:

-          Mợ Tôi đã cho ăn con này rồi, cà cuống đấy các bạn ạ, sau khi lấy bọc nước thơm, đem các chú cà cuống này luộc lên ăn cũng bùi lắm.



Một nửa Giang Ðoàn nằm trên đất liền gồm Phòng Hành Quân, phòng Chỉ Huy Phó và tháp canh cao ngất, một nửa nằm trên các phao bằng thép là nơi có văn phòng Chỉ Huy Trưởng và nơi cư ngụ của các sĩ quan và đoàn viên và là cầu tàu cho các giang tốc đĩnh cặp bến sửa chữa hoăïc nghỉ bến sau khi đi hành quân về.  Vì lý do an ninh đề phòng đặc công thuỷ phá hoại nên nhân viên canh phòng thường dùng lựu đạn công phá MK 3 ném vào những đám lục bình khả nghi trôi gần đến cầu tàu, nhất là vào ban đêm.  Mới đầu Trần không quen với tiếng nổ chát chúa của lựu đạn nên hay giật mình mất ngủ, tuy nhiên sau dần cũng quen đi.



Những cuộc hành quân phối hợp giữ Giang Ðoàn và Tiểu Khu hầu như diễn ra liên miên trên bờ phía Tây của dòng sông Vàm Cỏ Ðông.  Theo Hiệp Ðịnh Paris, Sông Vàm Cỏ Ðông, phía bắc Bến Sỏi là ngoài phạm vi hoạt động của Hải Quân Việt Nam.  Cho nên nơi đây trở thành địa bàn của bọn buôn lậu và là nơi giao liên, kinh tài của Việt Cộng.  Một hôm vào sáng sớm Trần chỉ huy hai giang đĩnh vượt qua Bến Sỏi, qua khỏi chừng 200 mét Trần thấy cả một rừng người chạy túa lên đồi ẩn sau những gốc cây tìm chỗ nấp.  Trần cười thầm ra lệnh cho hai giang đĩnh xuôi dòng trở về lại Giang Ðoàn.



Khoảng 1 tuần sau, vào lúc chạng vạng sáng, Chỉ Huy Trưởng cao hứng cùng 1 trung đội Ðịa Phương Quân tùng đĩnh mở một cuộc hành quân lục soát vào một số điểm khả nghi trên sông Vàm Cỏ Ðông phía Nam Bến Sỏi.  Khoảng vài tiếng đồng hồ sau đó, đoàn giang đĩnh trở về trên sàn tầu chất đầy chiến lợi phẩm, nào là máy phát điện, thuốc trụ sinh, máy tầu, gạo, mắm.. Chỉ Huy Trưởng nhìn Trần nở nụ cười mãn nguyện. Biết thế nào Việt Cộng và bọn buôn lậu cũng lợi dụng khoảng trống giữa các cuộc hành quân lục soát để tái hoạt động; cho nên ngay buổi trưa hôm ấy, Trần dắt hai chiếc giang đĩnh án ngữ tại đầu kinh Tây Ninh.  Chừng nửa giờ sau Trần  để lại đầu kinh một giang đĩnh và dặn dò thuyền trưởng giữ liên lạc thường trực,  và chỉ huy một chiếc giang tốc đĩnh cùng số nhân viên cơ hữu lao đi với vận tốc tối đa về phía Bắc Cò Nổi, một cửa khẩu quan trọng của Việt Cộng trên sông Vàm Cỏ Ðông. 



Chiếc giang tốc đĩnh lao vùn vụt trên sông, sóng rẽ ra hai bên mạn tầu như hai cánh dơi ào ạt bủa vào hai bờ sông kêu dào dạt.  Khoảnh khắc Bắc Cò Nổi hiện ra trước mắt, hai tên Việt Cộng đội nón lá, mặc bà ba đen hốt hoảng nhảy từ trên ghe lên bờ chạy giũa lằn đạn của khẩu đại liên 50 kép của giang đĩnh.  Trần cho đổ bộ lên bờ lục soát, tịch thu được một bao lớn thuốc trụ sinh, quần áo, máy đuôi tôm...  Trần cho nhân viên khiêng luôn chiếc ghe vắt ngang trước mũi giang đĩnh đem về Giang Ðoàn.  Cũng tại cửa khẩu này trong những kỳ đi kích trước, Trần đã để lại một tấm bảng với hàng chữ:  Sông Vàm Cỏ Ðông Thuộc Quyền Kiểm Soát Của Hải Quân Việt Nam.  Mấy hôm sau Trần trở lại thì thấy mấy hàng chữ nguyệch ngoạc viết sai chính tả: Nếu Dậy Thì Hiệp Ðịn Pa Di Không Có Nghĩa Lý Gì Sao???



Mất sức vì những buổi đi kích đêm, trầm uất vì những yếu kém của các sĩ quan và đoàn viên trong việc duy trì kỷ luật và bảo trì chiến đĩnh, thêm vào đó tình trạng ăn uống thiếu thốn, Trần đã ngã bệnh và được đưa vào Viện Bài Lao Ngô Quyền.  Trong thời gian điều trị, Trần đã gặp người bạn thân cùng khoá vừa dự trận Hải Chiến Hoàng Sa  và những nhân viên xuất sắc của HQ 504 cùng nhập viện.  Những thuỷ thủ yêu nghề này đã miệt mài thi hành công vụ bảo trì chiến hạm trong tình trạng tối ưu, nhất là thời gian chiến hạm đại kỳ*** tại Hải Quân Công Xưởng, Trần nghĩ thầm một trong những nguyên nhân là do hít thở những bụi sét khi chạy rùa**** hầm chiến xa đã góp phần vào sự tàn phá hai lá phổi của những nhân viên này.  



Dòng sông Kỳ Cùng của thuở đầu đời cho đến dòng sông Hồng Hà cuả thời niên thiếu nên thơ, dòng Vàm Cỏ Ðông tận tuỵ cho đời hải nghiệp, cho đến dòng sông Tiền Giang cuả chuyến hải hành cuối cùng vào biển Đông tìm tự do là những dòng sông luôn luôn chảy siết trong tâm hồn Trần mỗi khi đứng trên ngọn hải đăng Point Loma, San Diego caủ quê hương thứ hai hướng ra biển Thái Bình Dương, nhìn về quê hương đã 18 năm xa cách.  Dĩ vãng nhìn lại không phải để hối tiếc, nhưng là những kinh nghiệm xấu tốt và những kỷ niệm vui buồn để học hỏi, để bồi hồi cho tuổi trẻ đã mất mát.  Những dòng sông đó vẫn chảy trên quê hương, những con thuyền vẫn xuôi ngược. Những chiếc nón lá rách, những thân hình khẳng khiu ngoắc ngoải chèo thuyền trên những dòng sông quê hương vẫn là những bức tranh bi thảm không tài nào thay đổi được trong gần một thế kỷ qua trên một đất nước đày tai ương, lòng người ly tán vì những cố chấp hẹp hòi thiển cận của một nhóm  người muốn độc quyền làm lịch sử.

Kỷ niệm ngày giỗ Ba 14/12/1970



Zuyên Hồng Trần,  bổ túc vào Mùa Đông 2013



Chú thích:

*Hầm lái tay: Khi chiến hạm bị mất điện không sử dụng được tay lái điện thì phải sử dụng hệ thống lái tay dưới hầm sau lái.  Ðiều khiển lái tay rất nặng và không chính xác.  Hầm này được dùng như Cải Hối Thất cho các nhân viên chiến hạm vi phạm kỷ luật. **Ði bờ: Tiếng lóng của Hải QuânViệt Nam để chỉ lúc tầu về bến, thuỷ thủ đoàn được phép đi chơi phố hoặc đi bát phố.  HQ Mỹ thì gọi là  to go liberty.

***Ðại Kỳ: Thời gian chiến hạm tu bổ , sửa chữa toàn diện.

 ****Chạy rùa: Khi chiến hạm bị nước biển ăn sét, nhân viên phải dùng búa gõ sét cho bung ra hay dùng máy cạo sét, sau đó sơn nhiều lớp sơn lót kỵ sét để bảo vệ vỏ thép của tầu.  Tiếng lóng hải quân gọi máy cạo sét là rùa, chạy rùa có nghĩa là chạy máy cạo sét.

No comments: