Tuesday, May 20, 2014

Bài viết về Cuba


62
Hôm nay tôi quyết định viết về Cuba, tôi phải viết càng sớm càng tốt, bởi vì tình hình chính trị và kinh tế của nước này có thể thay đổi nhiều trong tương lai. Nếu tôi chần chừ không viết, thì sau này những gì tôi ghi nhận có thể sẽ không còn hợp thời nữa. Trong phạm vi bài viết, tôi xin gói gọn các quan sát và cảm nghĩ của tôi về đời sống chỉ ở thủ đô Havana mà thôi. Ngày xưa, từ đầu thế kỷ XVII, Havana từng là một trung tâm văn hóa và quyền lực của hoàng gia Tây Ban Nha tại khu vực Châu Mỹ. Ngày nay, đến Havana, chúng ta có thể thấy được toàn bộ bức tranh muôn màu, vui có, buồn có, của đất nước và con người Cuba.

Mở nhanh vài trang lịch sử
Khi nhà thám hiểm Christopher Columbus khám phá và đặt chân lên bờ biển phía đông bắc của hòn đảo này vào ngày 27 tháng 10 năm 1492, ông đã viết vào nhật ký hải hành dòng chữ: “Đây là một vùng đất đẹp nhất tôi được nhìn thấy”. Tuy nhiên, khi những “trang sớ” này gởi về cho hoàng gia và nữ hoàng Isabella tại Tây Ban Nha, dường như hòn đảo Cuba chưa bị xem là vùng đất cần xâm lấn. Khi ấy, triều đình Tây Ban Nha đang cuồng say với những cơn sốt khai thác vàng ở nhiều nơi khác tại Châu Mỹ. Mãi đến năm 1512, tướng Diego Velázquez mới nhận được lệnh đem quân qua đánh chiếm Cuba, và mục đích cũng là khai thác vàng. Có thể xem đây là người Châu Âu đầu tiên đến sống ở Cuba. Đoàn quân viễn chinh dưới sự chỉ huy của Diego Velázquez đã bắt ép những thổ dân lao động khổ sai trong các hầm mỏ vàng do người da trắng khai thác. Hệ thống chính phủ thuộc địa kiểu Tây Ban Nha đã bắt đầu hình thành. Bảy đô thị kiểu Tây Ban Nha đã được xây dựng lên ở giai đoạn này, trong đó có Havana. Thành phố Santiago được chọn làm thủ đô đầu tiên của Cuba vào năm 1515. Trong vòng hai mươi năm kế tiếp, các thổ dân người Cuba đã dần bị lính viễn chinh Tây Ban Nha giết sạch vì nỗi lo sợ thổ dân có thể sẽ kháng cự và nổi dậy bất cứ lúc nào. Vì Cuba là hòn đảo không có nhiều những vị thế hiểm trở như núi non, thung lũng, cho nên các thổ dân khó trốn tránh, họ bị diệt chủng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Sau khi diệt hết thổ dân, người Tây Ban Nha đã đưa nô lệ của họ qua thẳng từ mẫu quốc hoặc các thuộc địa tiếp tục làm công việc ở các hầm mỏ. Chuyến đầu tiên họ đưa 300 nô lệ da đen từ Châu Phi qua, sau đó là hàng ngàn người mỗi năm.

Những nô lệ này bị bắt cóc từ Phi Châu, bị đánh đập vô cùng dã man, bị ép làm các công việc trong hầm mỏ, các đồn điền trồng mía, các nhà máy chế biến đường… Cũng như các nô lệ da đen bị người Anh, người Pháp đưa vào Bắc Mỹ; nô lệ ở Cuba bị người Tây Ban Nha hành hạ rất dã man. Mạng sống của họ luôn tùy thuộc vào chủ nhân, họ có thể bị giết bất cứ lúc nào…
Năm 1607, Havana được chọn làm thủ đô của Cuba vì thành phố này đã trở thành trung tâm của văn hóa, quyền lực của hoàng gia Tây Ban Nha tại vùng Nam Mỹ. Trong thế kỷ XVII và XVIII, Tây Ban Nha rơi vào tay người Đức, rồi Pháp, do đó hòn đảo Cuba thuộc địa này cũng đã bị hai đế chế Đức và Pháp kiểm soát. Đến cuối thế kỷ XVIII, người Anh khi ấy rất hùng mạnh, các thuộc địa của Anh Quốc có ở khắp nơi trên thế giới, kể cả vùng đất bây giờ là Hoa Kỳ và Canada. Người Anh luôn kiêu hãnh với câu “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”, đã đưa quân đến chiếm Cuba một cách dễ dàng. Sau đó có một sự trao đổi quyền lợi và quyền lực giữa Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Qua đó người Anh trao Cuba lại cho Tây Ban Nha, còn Tây Ban Nha trao cho nước Anh vùng đất rộng lớn ở Mỹ là Florida Peninsula (gần khớp với lằn ranh phân chia ranh giới của tiểu bang Florida ngày nay)… Tuy nhiên năm 1776, người dân gốc Anh tại Hoa Kỳ đã đứng lên đòi độc lập, tách ra khỏi sự đàn áp và đô hộ của đế chế Anh. Chính phủ vừa thành lập ở Mỹ và hoàng gia Tây Ban Nha ngay sau đó đã bắt đầu có những giao thương rất tốt đẹp, nhất là những gì liên quan đến Cuba. Vì thuận tiện địa lý, nhiều người từ Mỹ đã sang Cuba khai thác đồn điền trồng mía, trồng thuốc lá, lập nhà máy làm rượu, chế biến đường… kinh tế của Cuba từ đó cũng trở nên rất thịnh vượng, tỷ lệ thuận theo sự phóng khoáng và tinh thần cách tân của người Mỹ.
71
Năm 1808, hoàng đế Napoleon của Pháp đem quân xâm chiếm Tây Ban Nha, khi Tây Ban Nha lọt vào tay Pháp, dĩ nhiên có cả những thuộc địa Tây Ban Nha, nhưng triều đình Pháp lúc ấy đã không thèm dòm ngó gì đến một hòn đảo thuộc địa xa xôi, do đó Cuba đã rơi vào tình trạng vô chính phủ. Trong khoảng thời gian này, nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Thomas Jefferson, đã bảo hộ Cuba nhiều hơn. Rồi 6 năm sau, hoàng gia Tây Ban Nha trở lại nắm quyền hành tại “mẫu quốc” và các vùng thuộc địa, nhưng vị vua mới này không có những mối giao thương tốt đẹp với chính phủ Mỹ nữa. Khoảng thời gian này, một con tàu của Mỹ đậu tại Cuba đã bị nổ tung, giết chết 266 thủy thủ, chính điều này đã gây ra cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha, vì phía Mỹ cho rằng có bàn tay của Tây Ban Nha dàn xếp. Tuy nhiên chỉ 3 năm sau, Tây Ban Nha đồng ý rút lui, trao trả độc lập cho người dân Cuba. Một chính thể dân chủ do người dân bầu cử được ra đời vào năm 1902. Vị tổng thống đầu tiên của Cuba là Tomás Estrada Palma. Chính trị của Cuba thời đó là thân Mỹ, kinh tế cũng ảnh hưởng song song với nền kinh tế Mỹ. Thị trường cigar, thuốc lá, đường, rượu phát triển mạnh vì không có đối thủ nào cạnh tranh trên thế giới. Có thể nói, Cuba đã trở thành một quốc gia giàu có bậc nhất ở Mỹ Châu và thế giới. Nhiều băng đảng Mafia cũng đổ về đây hoạt động. Các hoạt động ăn chơi, sòng bài, du lịch cũng phát sinh, hòn đảo trở thành một nơi kiếm tiền và tiêu tiền khá dễ, ăn chơi khét tiếng như kiểu HongKong, Macau, Thượng Hải ở Châu Á. Giới nhà giàu từ Mỹ qua Cuba mua đất xây những căn biệt thự lộng lẫy, giới giàu có người Cuba cũng lập nên những căn phố sầm uất, thịnh vượng với nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm sang trọng, các ngôi sao thượng thặng của Hollywood như Frank Sinatra, Nat King Cole, Joan Crawford… cũng đã đến đây trình diễn. Cuba như một viên kim cương lấp lánh bậc nhất ở vùng biển Caribbean… Cho đến ngày 1 tháng 1 năm 1959, bàn cờ chính trị thế giới đảo chiều, đảng cộng sản nắm được quyền hành và đất nước Cuba từ đó đi vào bóng tối. Cũng giống như những quốc gia khác bị rơi vào tay cộng sản, những gia đình và cá nhân có liên hệ với chính quyền cũ đã vượt thoát xin tị nạn chính trị ở khắp nơi. Rất đông người đã đến Mỹ. Họ thành lập một cộng đồng Cuban tị nạn chính trị tại Miami, Florida. Những ai chạy không kịp đều bị thanh trừng dã man. Những nhà máy, sòng bài, bất động sản bị tịch thu và quốc hữu hóa. Không còn cảnh tự do thương mại nữa, tất cả các nhà máy trở thành tài sản của chính quyền mới, hoạt động theo hình thức quốc doanh. Một tầng lớp thống trị mới nhảy ra làm lãnh đạo, cái tên Fidel Castro được nhắc nhở từ đó. Cuba trở thành xứ theo xã hội chủ nghĩa, người dân đói nghèo hơn, bần cùng với sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm… hoàn cảnh vô cùng tương tự như đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam sau 1954 và ở miền Nam sau 1975.
Đa văn hóa, đa chủng tộc
Dân số của Cuba hiện nay là 11.27 triệu người, có ba nhóm sắc dân. Nhóm một là người gốc Tây Ban Nha da trắng đông nhất, kế đến là nhóm người da đen bị bắt làm nô lệ đến từ Châu Phi trong thế kỷ XVI, và nhóm thứ ba là người Hoa qua làm việc từ những năm của thế kỷ XVII. Ngoài ra còn vài nhóm từ các quốc gia khác đến từ Châu Âu như người Anh và người Pháp, nhưng theo thời gian những nhóm nhỏ này đã bị đồng hóa và hầu như không còn ai phân biệt được nguồn gốc của họ, nói một cách khác, nguồn gốc của họ bị lẫn vào trong nhóm da trắng Tây Ban Nha. Tôn giáo của người dân Cuba là đạo Thiên Chúa.

Một lần đi lang thang trên đường phố Havana, mặc dù không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng tôi ngờ ngợ vì thấy một tấm bảng chỉ đường màu đỏ có ghi hàng chữ dường như có ý nghĩa là “Phố Tàu”. Theo mũi tên, tôi đã đi băng qua nhiều con hẻm, hỏi thăm rất nhiều người nhưng không ai biết tiếng Anh cả. Tôi đành len lỏi vào một con hẻm trông vô cùng nghèo nàn, nhà cửa trông cái nào cũng như muốn đổ sụp. Tôi hơi hoảng vì sợ mình đi lạc quá xa và không biết tình hình an ninh ở đây thế nào nên tìm đường đi ngược lại. Quay trở ra thì gặp hai thanh niên trẻ có vẻ giống sinh viên, tôi đánh liều hỏi, hai người trẻ này đã bập bẹ chỉ tôi đường đi đến Chinatown chỉ còn cách đó một ngã tư. Tìm được đường, đến nơi tôi thấy phố Tàu ở đây chỉ là một con hẻm nhỏ, xe hơi không thể vào. Bên ngoài đầu hẻm có một cổng tam quan màu đỏ, ngói xanh. Đi vào bên trong hẻm có vỏn vẹn bốn năm nhà hàng, hai căn nhà ghi rõ là Hội Quán Ái Hữu Hoa Kiều. Tôi không thấy cửa tiệm chạp phô, không có siêu thị. Đây là một phố Tàu tí hon nhất mà tôi được thấy. Một điều khác tôi chú ý, rằng tại Havana hiện nay, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của rất đông người Trung Quốc từ đại lục, không biết họ đến đây để làm gì, họ không phải là những người thuộc cộng đồng người Hoa đã sống ở đây từ thế kỷ XVII.
Khách sạn bốn sao theo tiêu chuẩn Cuba
Tôi thuê National Hotel cách khu phố xá trung tâm khoảng hai hay ba ngã tư, khá yên tĩnh, tuy nhiên để đi bộ ra nơi phố thị thì cũng hơi xa. Đây là khách sạn thuộc loại cổ kính nhất ở Havana, từng được đạo diễn Francis Ford Coppola chọn làm phim trường để quay bộ phim Godfather I & II. Cả hai bộ phim và cả đạo diễn đều giành được những giải thưởng danh giá Oscar với Best Pictures và Best Director trong thập niên 1970. Tôi mường tượng đến cái khó khăn của đoàn làm phim Hollywood khi muốn vào Cuba quay trong thời chiến tranh lạnh. Bên trong khách sạn có nhà hàng bán buffet buổi tối giá $28 CUC (1 CUC tương đương 1 USD), thức ăn kiểu inter-continental cũng khá ngon miệng, không có gì phàn nàn, tuy nhiên với giá tiền này, ở Mỹ hay Canada, tôi có thể tìm ra nhiều nơi ăn ngon và rẻ hơn nhiều.g2

Khách sạn này từng có một thời vang bóng, nhưng hiện nay là một khách sạn quốc doanh, không ai chăm sóc tận tình. Màn, khăn trải giường, thảm đều cũ và phai màu, sơn trên tường bị bong ra từng mảng lớn và ố nước mưa. Nước máy ở thủ đô Havana có nhiều cặn không thể uống được. Một buổi tối, vì quá mệt nên sau khi tắm rửa xong, tôi nhảy lên giường đánh một giấc… Nửa đêm tôi bỗng giật mình vì có tiếng tí tách như nước ở đâu giọt xuống. Tôi choàng dậy mở đèn thì thấy một dòng nước đang nhỏ giọt từ trần nhà và đang len lỏi qua các đường dây điện. Sợ sẽ chập điện gây hỏa hoạn, tôi liền bốc điện thoại gọi xuống quầy tiếp tân. Không có ai trả lời, tôi gọi thêm lần thứ hai thì có giọng nói lè nhè của một cô gái, nhưng cô này không biết tiếng Anh. Cô ấy nói một tràng tiếng Tây Ban Nha, giọng điệu bây giờ nghe có vẻ sắc lẻm, không biết có phải đang sỉ vả vì tôi đã làm cô mất ngủ hay không, rồi cô cúp máy. Tôi đành chịu thua, chỉ còn cách kéo cái thùng rác ra làm xô hứng nước mưa dột, xong nhảy lên giường ngủ tiếp. Tôi định bụng sáng hôm sau sẽ xuống tận nơi báo cho nhân viên biết, hy vọng chỗ làm của họ thì họ phải quan tâm hơn là tôi, một du khách chỉ đến và đi…
Hối suất chênh lệch đến hoảng hồn
Hôm nay tôi ghi danh đi city tour với khách sạn vì còn nhiều nơi tôi chưa biết ở thủ đô Havana. Điều đầu tiên là tôi cần đổi ra tiền địa phương, bởi vì cầm tiền Mỹ, tiền Canada ra đường sẽ không cách gì tiêu xài được. Mặc dù biết trước hối suất, nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc là tại sao tiền CUC của Cuba lại đổi bằng ngang ngửa với tiền USD? Hỏi các nhân viên đổi tiền ở khách sạn quốc doanh này, họ rất tiết kiệm câu trả lời, không biết vì họ chẳng muốn nói, hay vì họ không biết tiếng Anh nhiều. Tôi quay qua nhìn hai vợ chồng người Mỹ đang ngồi chờ ở đại sảnh, họ nhìn vẻ mặt thắc mắc của tôi, họ cười, nói cho tôi biết tiền CUC là một loại tiền vô giá trị, không được công nhận trên thị trường tài chính thế giới hay ngân hàng thế giới gì cả. Chính quyền Cuba in ra cho du khách sử dụng và họ cứ tự tiện đánh đồng một đồng CUC đổi ra một USD. Người Cuba địa phương xài tiền khác, gọi là Peso và hối suất chênh lệch khá xa, một CUC đổi ra được 24 Peso. Nếu vào một khu chợ, chai nước suối có thể là 3 Peso cho người địa phương, nhưng người ngoại quốc sẽ phải trả 3 CUC (tức là 72 Peso). Nói một cách khác, du khách mua đồ phải trả mắc gấp 24 lần người địa phương. Như vậy, có khi nào du khách mua hàng theo giá người địa phương được hay không? Câu trả lời là vô cùng khó, bởi vì từ tác phong, giọng nói, cách ăn mặc, cái dây nhựa đeo sát cổ tay của các khách sạn hay resorts để đánh dấu “đây là kẻ lạ, cứ việc chém”, người dân Cuba chỉ cần nhìn qua là biết du khách, không ai dại gì mà lấy tiền Peso. Ngay cả những người cùng nói tiếng Tây Ban Nha trong khu vực Nam Mỹ, và cả “Cuban Kiều” cũng bị nhận dạng là du khách vì không giống dân địa phương. Đa số ai cũng bực mình và cảm thấy như đang bị trêu ngươi, trấn lột.

Phố cổ – Old Havana
Ngồi một lát thì xe bus của công ty du lịch quốc doanh Cuba đến. Hướng dẫn viên là một cô gái thật xinh và hiền thục. Cô ta nói tiếng Anh khá đúng giọng. Một hồi sau tôi mới nghe cô giới thiệu cô từng là giáo viên dạy Anh Văn ở trường trung học. Cô bảo lương giáo viên chỉ bằng khoảng $11 USD cộng với gạo, nhu yếu phẩm, vải may áo… như thời bao cấp ở Việt Nam. May thay cô thi đậu vào ngành du lịch, lương tiền khá hơn, có tiền tips của du khách cho nên cô mới có thể giúp đỡ gia đình. Cô kể tiếp, ngày xưa cả gia đình làm công nhân viên, muốn trám lại cái sân nước, cả nhà gom góp cuối năm cũng chỉ đủ làm được một mét vuông, và cái sân rộng mười mét vuông đã phải kéo dài mười năm mới xong, làm xong thì cement cũ đã mọc rêu, cement mới còn trắng, trông như ô bàn cờ (!)… Cả xe nhìn cô ấy, rồi nhìn nhau ái ngại. Khi xe dừng cho du khách xuống một ngôi chợ, tôi lân la lại hỏi thăm cô ấy: “Khi nãy xe chạy qua con đường sang trọng, hai bên toàn villa, biệt thự kiểu Châu Âu, vậy thì những người chủ cũ trước cuộc cách mạng 1959, họ có được ở lại trong đó hay không?”. Cô gái nhìn quanh, rồi cười nhẹ: “Họ chạy qua sống bên Miami hết rồi, ai chạy không kịp thì cũng bị giết chết hết chứ sao mà còn…”. Tôi nhìn cô gái, cô có vẻ bất mãn chế độ ghê, điều cô nói, sau này tôi có dịp kiểm chứng lại với nhiều người thì họ cho biết, cũng chưa đến nỗi giết sạch như người Tây Ban Nha giết thổ dân lúc xưa, nhưng đa số những ai có liên quan đến chế độ cũ đều bị những trận thanh trừng dã man, tàn ác, nhốt tù không có ngày về, con cái không mong gì được tiến thân… Điều này thì tôi không lạ, vì cũng đã từng xảy ra ở Việt Nam, các nước Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc.

Khu trung tâm và khu phố cổ Old Havana thật đẹp và như còn phảng phất sự kiêu kỳ của viên kim cương trong vùng biển Caribbean một thuở. Kiến trúc kiểu Tây Ban Nha và Pháp rất đẹp, nhưng hầu như đều bệ rạc, hư hại trầm trọng. Có nhiều căn nhà đã đổ sụp hết một nửa, nhưng vẫn có người chui ra, chui vào sống bên trong. Nhiều tòa nhà quan trọng như các viện bảo tàng, các khách sạn cổ đều đang được sửa sang. Hỏi ra, thì đây là chương trình viện trợ của UNESCO cho nhà nước Cuba để sửa lại những công trình cổ. Tôi cảm thấy mình đã đến Cuba đúng lúc, vì nếu tôi đi trễ vài năm nữa, cả thành phố sẽ được làm mới lại như những thành phố Châu Âu khác, chậm trễ sẽ không có cơ hội làm “nhân chứng của buổi giao thời”… Sau khi đi một vòng thành phố, tôi cùng đoàn du khách ăn trưa ở một quán ăn thuộc loại sang trọng và đẹp bên trong khu phố cổ, có nhạc sĩ kéo đàn Accordion. Thức ăn được đem ra là đùi gà và cơm trộn. Tôi đã cố tình để ý thực đơn nhà hàng và tìm hiểu khi thức ăn được đem ra. Khi nói thịt gà thì phải hiểu chỉ có đùi gà vì ức gà đắt tiền hơn sẽ hầu như không có ở đây. Cuba không thể lập được ngành chăn nuôi. Ở đây, thịt gà, thịt heo, bò phải nhập cảng từ các nước khác trong vùng và thông thường chỉ nhập được những thức rẻ như đùi gà hoặc thịt bò già. Thảo nào khi ăn thịt bò trong khách sạn, miếng thịt nào cũng dai, nhai hoài đến ê cả quai hàm…
62
Dân tình
Ở thêm vài hôm, đi thêm vài nơi ở Havana, tôi cảm thấy chính sách bao cấp của Chủ Nghĩa Xã Hội thật sự không bao giờ tốt cho người dân ở bất cứ xã hội nào. Sau hơn 55 năm, người dân Cuba bị ù lì đi. Ở khách sạn và những khu resort tôi đến, các nhân viên dường như được ăn lương công nhân viên nên họ làm việc như đang say thuốc hay ngủ gục vậy. Họ không cần biết có bao nhiêu khách hàng đang đứng chờ. Ngay cả ở phi trường, mọi người đang chờ rất đông, nhưng các nhân viên cứ tụm năm, tụm ba lại nói chuyện, mặc cho khách xếp hàng chờ đợi, có lúc chẳng còn nhân viên nào ở quầy check-in, họ bỏ đi đâu hết mà không một lời giải thích.

Thời Fidel Castro thì các chính sách cai trị rất gay gắt và ngặt nghèo. Dân chúng không được phép tiếp xúc với khách ngoại quốc, không được phép đến gần các khách sạn dành cho du khách. Nay dưới thời ông Raul Castro, người dân được phép đăng ký kinh doanh nhỏ, được phép tiếp xúc, đến thăm bạn bè ngoại quốc và gặp ở lobby khách sạn (cấm bước vào thang máy). Chế độ tem phiếu của chính sách bao cấp vẫn còn rất quan trọng ở Cuba.
Tôi đã mấy lần đi ngang qua một địa điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Tò mò đứng lại xem, tôi thấy những bắp cải hư héo, người ta phải bóc tách các lớp bên ngoài bỏ đi quá nhiều, bây giờ nó chỉ còn bé xíu như trái cam, rồi những quả cà chua héo, dập, nằm chỏng chơ trong các rổ mây. Bên ngoài có khoảng 4 hay 5 người đang chờ được gọi vào nhận lãnh, ai cũng đang cầm một cuốn sổ nhu yếu phẩm trong tay…
Ngoài đường và các bãi biển luôn có những cặp tình nhân bá vai bá cổ nhau. Điểm đặc biệt ở các cặp này là cứ kiểu “ông già và con bé”, hoặc “bà già và thằng bé”. Chắc chắn “đứa bé” kia là dân địa phương, và người già kia là du khách. Nghe nói các du khách già người Canada qua đây tìm bạn tình khá nhiều. Cô đồng nghiệp của tôi cũng cho biết cô đã phạm một lỗi lầm lớn khi đưa hai con nhỏ đi tắm biển ở Havana. Theo tôi, các gia đình nên về những khu resort ở Varadero, cách thủ đô khoảng 90 phút lái xe, ở đó có các bãi biển riêng biệt sẽ tốt cho trẻ em hơn. Tại các bãi biển công cộng ở Havana, những đôi tình nhân già-trẻ, trẻ-già này công khai làm tình dưới nước, một môi trường hoàn toàn không lành mạnh cho các gia đình có trẻ em bơi lội.
Tôi có quá khó tính không?
Viết lại cảm nghĩ của mình cho trang báo, tôi cũng muốn cân bằng và dung hòa những điều tốt và không tốt ở một nơi. Tôi rất muốn tìm và suy nghĩ, viết nhiều về những gì có thể là tốt ở Cuba nhưng sao cảm giác và ấn tượng về Cuba vẫn cứ nặng nề trong tôi. Giá tiền đi chơi một tuần “All inclusive” (bao từ vé máy bay, khách sạn, ăn uống ngày ba bữa) cho dân Canada dao động từ $500 CAD cho đến $800 CAD hoặc hơn, giá này là quá rẻ. Rẻ quá mà còn đòi hỏi gì nữa phải không? Nếu đem giá tiền ra so sánh thì không nên phàn nàn nhiều quá. Có lẽ tôi đã dại dột vượt quá lằn ranh của một du khách hồn nhiên đang hưởng thụ và nghỉ vacation. Tôi đã tìm hiểu hơi nhiều về lịch sử, về xã hội, về cuốn sổ gạo, về đồng lương giáo viên $11USD /tháng , nghe ngóng về các cặp tình nhân già-trẻ nhan nhản đầy đường, về cái xấc láo của nhà nước Cuba bắt du khách xài đồng tiền giấy lộn ngang với tiền Mỹ, nhưng kỳ thực là du khách phải chi trả gấp 24 lần dân địa phương… và …trên những con đường từ thành phố về các khu resorts, đi qua những khu đất trống bỏ không bạt ngàn, tôi cảm thấy đau lòng vì đất nước này đã không có nổi một ngành nông nghiệp, để cho dân chúng thiếu rau, thiếu thịt. Cách trồng trọt kiểu thủ công hiện nay chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu lương thực của người dân (theo nghiên cứu của đài CNN)… Tuy nhiên, hiện nay người dân ai cũng đang vui mừng, vì họ tin rằng tương lai sẽ tốt hơn qua việc người trong nước được nhận tiền của thân nhân từ Mỹ gởi về, cuộc sống dễ thở hơn trước. Biết đâu rồi đây sẽ có những thay đổi nhiều hơn từ chính trị cho đến kinh tế cho hòn đảo này, để Cuba sẽ trở về làm một viên kim cương rực rỡ trong vùng biển Caribbean như thuở xa xưa! Chúng ta hãy chờ xem và hy vọng cho họ vậy!

  Tôn Thất Hùng

PN chuyển

No comments: