Thursday, August 18, 2016

Đánh đắm tàu cá các nước, Indonesia muốn khẳng định là cường quốc biển - Thụy My

HoangsaParacels: Indonesia đã bộc lộ quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên biển của mình bằng hành động phá hủy các tàu thuyền đánh cá của các nước láng giềng xâm phạm hải phận của nước mình, đặc biệt là của Trung Cộng.  Tuy nhiên sự việc dùng chất nổ để phá hủy các tàu đánh cá hàng loạt sẽ gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho thủy sản.  Indonesia nên dùng những phương thức khác an toàn và hữu hiệu hơn.
media

Hai tàu đánh cá nước ngoài đăng ký tại Papoua bị hải quân Indonesia phá hủy . Ảnh ngày 21/12/2014.

Về châu Á, sự kiện gây chú ý cho các báo Paris là việc hôm nay 17/08/2016 Indonesia cho đánh đắm 71 tàu cá hành nghề tại vùng biển của mình, nhân Quốc khánh lần thứ 71 của nước này. Le Monde chơi chữ « Chiến dịch bùng nổ của Indonesia chống đánh cá bất hợp pháp », còn Les Echos nhận định « Indonesia muốn tái khẳng định sức mạnh trên biển ».

Le Monde nhấn mạnh, « bùng nổ » là theo nghĩa đen. Từ tháng 10/2014, khi bộ trưởng Hàng Hải vốn ồn ào, ông Susi Pudjiastuti lao vào cuộc đấu tranh quyết liệt này, đã có trên 170 chiếc tàu đánh cá phần lớn của nước ngoài, đã bị đánh chìm xuống đáy biển bằng thuốc nổ, còn thủy thủ đoàn thì bị tống vào tù.

Chính quyền Indonesia thích những hành động mang tính biểu tượng. Jakarta đã nhanh chóng đánh đắm chiếc Viking, một tàu đánh cá trái phép treo cờ Nigeria, chỉ vài tuần sau khi chiếc tàu này đi vào vùng biển nước mình. Bị Interpol truy nã vì buôn lậu các sinh vật quý hiếm, bị tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd truy tìm tại Nam cực, chiếc Viking đã chìm xuống vùng biển phía tây Java, trước thành phố Pangandaran, quê hương của bộ trưởng Hàng Hải.

Với sáu triệu tấn tôm cá đánh bắt được trên biển năm 2014, Indonesia là nhà cung cấp hải sản thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc. Theo Jakarta, nạn đánh cá lậu mỗi năm gây thiệt hại nhiều tỉ đô la, nhất là đối với 800.000 ngư dân cá thể - đã giảm đi phân nửa so với năm 2003. Indonesia tỏ ra kiên quyết ngay cả với những tàu cá nhỏ, chiều dài chưa đầy 12 mét.

Hôm 22/2, Indonesia đã đánh đắm 30 chiếc tàu của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Miến Điện ; rồi đến ngày 5/4 thêm 13 tàu của Việt Nam và 10 tàu Malaysia. Cũng trong năm 2016, một số tàu Trung Quốc và Thái Lan cùng chung số phận.

Ông Arifsyah Nasution, một người phụ trách ở Greenpeace Indonesia nhìn nhận : « Đánh chìm một lúc 71 chiếc tàu là quá nhiều. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền nên ngừng việc phá hủy bằng chất nổ, rất có hại cho môi trường biển. Tốt nhất nên cho tháo dỡ các tàu này trên đất liền và tái chế ». Bên cạnh đó, một số tàu đánh cá lậu khai thác cá thu, cá mập và những loại cá nhỏ ở biển khơi, đánh bắt một cách hủy diệt bằng chất nổ và cyanure. Theo ông Nasution « Vấn đề là nghiêm túc, Jakarta phải vừa bảo vệ cả tài nguyên lẫn chủ quyền ».

« Thế giới phải nhận ra Indonesia là nước lớn »
alt

Phương cách thô bạo của Jakarta đã gây căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, nhất là hồi tháng Sáu. Đoàn tàu đánh cá của Bắc Kinh thực sự bùng nổ về số lượng, làm cho các nước láng giềng phải lo ngại. Năm 2014, Trung Quốc có 2.430 tàu cá công nghiệp có thể hành nghề xa khơi, so với năm 2007 chỉ có 1.350 chiếc, gây mất thăng bằng lực lượng trong khu vực.

Le Figaro thông tin, hồi tháng Bảy Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc loan báo một hiệp ước « cách mạng », lần đầu tiên mang tính ràng buộc, về « đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (INN) », được đưa ra từ năm 2009, đã thu thập được đủ số thành viên để có thể áp dụng. Hiệp ước này cho phép các Nhà nước được kiểm tra các tàu cá nước ngoài đi vào hải cảng của mình, có thể cấm tuồn hàng và báo động cho các nước thành viên nếu có nghi vấn.

Khoảng ba mươi nước đã ký kết, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, và các nước xuất khẩu hải sản lớn như Indonesia, Thái Lan, Chilê, Hoa Kỳ. Nhưng hãy còn thiếu Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Pêru.

Les Echos cho biết thêm, đa số trong 71 chiếc tàu bị đánh đắm lần này là của Trung Quốc, và Việt Nam. Vùng biển Indonesia rất khó kiểm soát, vì có đến 17.000 hòn đảo. Khi ra lệnh đánh chìm tàu một cách ấn tượng, tổng thông Indonesia tìm cách bảo vệ đội tàu cá của mình, đồng thời tái khẳng định chủ quyền trong khu vực đang có những tranh chấp.

Trung Quốc dù bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hôm 12/7 bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, vẫn tiếp tục đòi hỏi chủ quyền 80% Biển Đông. Indonesia dù không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ như Philippines và Việt Nam, nhưng trong bài diễn văn đọc trước quốc dân hôm qua tổng thống Joko Widodo vẫn khẳng định sẽ « bảo vệ từng tấc đất ». Kể cả vùng địa đầu xa tít tắp của quần đảo như Natuna, mà Jakarta đang sợ bị Bắc Kinh dòm ngó.

Tại cụm đảo gồm 270 đảo nhỏ này, ông Widodo muốn phát triển nghề cá, khai thác dầu khí đồng thời tăng cường các phương tiện quốc phòng. Ông nhắc lại : « Thế giới phải nhận ra Indonesia là một nước lớn ». Trong khi cơ sở hạ tầng tại những đảo chính đang rất thiếu thốn, « Jokowi » vẫn muốn biến Indonesia thành một cường quốc biển, đặc biệt là với những thiết trí mới cho các cảng.

San Nguyen chuyen

No comments: