Saturday, September 17, 2016

Nghỉ Hè tại Rogers, Arkansas




 Chiếc Boeing 737-800 hạ cánh nhẹ nhàng xuống Northwestern Arkansas Airport-XNA, đồ cảm thấy thoải mái khi đặt chân xuống phi cảng. Cảnh vắng vẻ, yên tĩnh cuả sân bay này làm đồ liên tưởng đến phi trường Liên Khương, Đà Lạt năm xưa, giống cái không khí êm đềm cuả một phi trường nhỏ, không có cái cái cảnh tấp nập, vội vã như các phi trường quốc tế khác. 



đồ được vợ chồng ông anh ra tận phi trường đón. Trên chiếc xe SUV hiệu Chevrolet do ông anh ruột, cựu phi công máy bay bà già lái, đồ nhìn quanh ngắm cảnh. Cũng như mấy lần đến thăm gia đình ông anh trước đây, hai bên đường bạt ngàn màu xanh cuả cỏ và rừng cây, những căn nhà đồ sộ ẩn núp sau những tàng cây và những thảm có cắt ngay ngắn xanh mướt, đồ nghĩ thầm ở đây làm nghề cắt cỏ chắc giàu to. Ông anh dường như đọc được ý nghĩ cuả đồ, nói, ở đây gia đình nào cũng có máy cắt cỏ to như cái máy cày mới chiụ nổi những sân cỏ hai ba mẫu như vậy, nhà này phải nương theo nhà hàng xóm, cỏ bên nhà mình cao hơn cỏ bên nhà bên cạnh là cả nhà phải thay phiên nhau cắt cho giống như nhà người ta. đồ ngao ngán nghĩ về những sân cỏ tại khu nhà đồ ở. Nhiều căn nhà để cỏ khô cháy vì thiếu nước, hoặc có những căn nhà chủ cho dân nhập cư, đặc biệt là cho mấy gia đình “chùm mền” thuê housing, họ phóng sinh, để mặc cho cây cỏ mọc um tùm khô cháy, không màng chăm sóc, lại còn xả rác rến bưà bãi; khiến đồ có cảm tưởng khu nhà này có cái không khí cuả thế giới thứ 3.

Khu đồ ở rất an ninh, gần hai chục năm chưa xảy ra vụ cướp bóc, gây gỗ, ai ở nhà đó, ngay cả người Dziệt với nhau cũng coi nhau như người nước ngoài. Cứ căn nhà nào hở ra treo bảng bán là giáo dân người Dziệt tranh nhau mua cho bằng được vì được lợi thế là gần nhà thờ, rất tiện việc lễ lạy, sau đó là gần chợ buá, nhà hàng,trường học freeway, và sau cùng là gần nơi sinh hoạt cộng đồng. Trong xóm chỉ còn khoảng hai chục gia đình da trắng, da đen phần đông đã về hưu và còn lại là và Mễ, Nhật, Tàu và Dziệt, đồ nghĩ thầm khu này mai mốt chắc nên đổi tên là Hố Nai, Gia Kiệm San Diego, USA.




Trong thời gian nghỉ hè tại Rogers, thôi thì đồ ăn đủ món do ông anh, bà chị nấu nướng, chiên xào điển hình nhất là những món đặc biệt đày dân tộc tính như giả cày, ốc giả ba ba nấu chuối xanh trộn mẻ, canh cá nấu thì là, bánh tro, rượu nếp, toàn những món hạp khẩu, nên dù bác sĩ và các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo ăn kiêng nhưng đồ cầm lòng không đậu, nhất là ông anh pilot cứ mới mọc hết món này, món nọ nên bất khả từ sợ ông ấy buồn nên đồ đánh chén thoải mái, trừ món thịt ba dọi, da gà, vịt đày mỡ màng, mà các cháu gái con ông anh rất thích, nên ngày nào bụng cứ tức anh ách, trái hẳn bên nhà, bà xã mà cứ cho ăn đồ chiên xào là đồ mặt nhăn như khỉ, bà ấy mời ăn cục kẹo, miếng bánh ngọt là đồ dẫy nẩy như điả phải vôi. Qu’est sera sera… kỳ này về San Diego thử máu không chừng bác sĩ cho uống thuốc tiểu đường thì khổ, trong khi đó, ông pilot nhà đồ tuyên bố ông ấy uống thuốc tiểu đường 14 năm nay có sao đâu, chỉ có hay quên trước, quên sau thôi.




Được là bà chị dâu ham nấu nướng, suốt ngày quần quật bên bếp nóng, làm những món ăn quý hiếm, nên con cháu cả chục đưá cuối tuần kéo về thăm bố mẹ ăn uống thả cưả, lúc về còn được vài ba món to go để đi làm còn có món ăn trưa ngon miệng.





Ở thành phố này, rất ít người Việt, phần lớn ở Forth Smith, Little Rock hoặc Joplin, Missouri, nên chỉ khi nào có những món ở nhà nấu nướng chưa quen và muốn ăn ngon phải chiụ khó lái xe khoảng 4, 5 tiếng đi Dallas, Oklahoma, hoặc Tulsa mới có nhà hàng Việt có tiếng.




Đã đến lúc giã từ gia đình ông anh pilot tại thành phố Rogers nhỏ , nhưng thật êm đềm này. Ông anh bà chị quyến luyến tiễn đồ ra phi trường, hai anh em từ giã ôm nhau thắm tình ruột thịt, đồ bước vào khu an ninh phi trường để làm thủ tục khám xét trước khi lên máy bay. 

Sau khi đưa boarding pass và thẻ ID cho nhân viên an ninh, đồ lễ mễ đưa hành lý xách tay vào dây chuyền kiểm soát, đồ tháo dây thắt lưng, móc túi lấy ví, lần tay coi còn chià khoá, tiền xu bỏ vào cái hộp bằng plastic, xong xuôi bước qua cổng Xray theo sự hướng dẫn cuả một ông Mỹ to cao như cái cột đình mặc đồng phục, vưà qua khỏi cổng, máy báo động kêu rè rè, ông này hỏi đồ có kim loại nào trong người không?, như đầu gối giả, bù long, đinh vít tán vào xương không?. đồ lắc đầu, nghĩ thầm không biết mấy ông lính giang đoàn trong người còn cả chục mảnh B 40, chắc là khó thoát cưả ải này quá. đồ xoát túi quần, túi áo, cởi cả giày bước qua lần nưã, cái nhà ông cột đình thấy cái ông già lẩm cẩm này đáng nghi ngờ hay sao mà ông ta ra hiệu cho một anh an ninh trẻ tuổi đẹp trai áp giải đồ và một góc, trong đó có một cái bàn và một máy computer. đồ thử lần trong túi quần lần chót thấy sót một đồng penny có hình ông Abraham Lincoln, dơ lên cho an ninh coi, để xác nhận chính nó là thủ phạm làm máy báo động kêu ca, nhưng hắn tỉnh bơ, tiếp tục lục xét cái xách tay đã được máy Xray kiểm soát; sau đó anh ta xin phép khám người, anh ta nắn đồ từ nách đến háng nhưng đặc biệt không động đến “trym”, khi anh ta đang nắn mắt cá chân cuả đồ, thì đồ đột nhiên lâm vào trạng thái BKZ(1) xì ra một tràng hơi , lúc đó mũi cuả anh an ninh trẻ tuổi đang ở ngang chỗ để ngồi cuả đồ. đồ ngượng chín người, vì một mùi thum thủm bốc lên rất là vô duyên, đồ còn “nghe” thấy, nưã là anh chàng an ninh, trẻ tuổi, thính mũi, thính tai…đồ e thẹn nói với anh ta: “I am sorry for the gas”. Anh ta nhìn tôi lịch sự trả lời:

-No problem, sir.

Sau đó anh ta bình thản giúp tôi sắp xếp hành lý, như không có chuyện gì xảy ra và không quên chúc tôi một chuyến bay an toàn.

Ngồi an vị trong lòng chiếc Canadair RegionalCL 600 2C10 cuả United Airlines để bay đến Colorado đồ tự hỏi không biết anh chàng an ninh nọ có đánh hơi thấy mùi giả cày, có hương vị giềng, mẻ, mắm tôm trong hơi gas cuả mình không?

đồ biển

*(1)BKZ: Bất khiển dụng, nói theo tiếng Vẹm là không người lái.

No comments: