Friday, November 25, 2016

HQ227 VÀ TÔI- Phùng Học Thông


Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang vào tháng 12 năm 1965 và chấm dứt thời gian thực tập tại Liên duyên đoàn 34-37,
Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang vào tháng 12 năm 1965 và chấm dứt thời gian thực tập tại Liên duyên đoàn 34-37, tôi được thuyên chuyển đến Trợ chiến hạm Lê Văn Bình HQ227, đơn vị đầu tiên trong đời Hải quân. Qúa giang trên một chiếc Hải vận hạm LSM đi Phú Quốc, vì lúc đó HQ227 đang biệt phái tại vùng 4 duyên hải, tôi đến trình diện chiến hạm ngoài khơi An Thới vào tháng 3 năm 1966.

Hạm trưởng chiến hạm là HQ Đại úy Đinh Vĩnh Giang khóa 8/SQHQNT, Hạm phó là HQ Trung úy Bùi Hùng Khoát khóa 10. Trên tàu còn có HQ Thiếu úy cơ khí Lê Thành Trác là cơ khí trưởng và HQ Trung úy Nguyễn Đình Lâm khóa 12, Sĩ quan đệ tam. Sau khi được huấn luyện một thời gian ngắn với Hạm phó, tôi được chỉ định làm Sĩ quan trưởng phiên.

HQ227 thường xuyên tuần tiểu trong vùng biển phía Đông đảo Phú Quốc, từ Hàm Ninh đến Bắc Đảo qua đến phía Tây Bắc Hà Tiên, vùng ngoài khơi của các đảo Kiến Vàng và Kẹo Ngựa, lúc đó Kampuchea còn gọi là Cam Bốt (Cambodge). Hoàng thân Shianouk là Quốc trưởng của nước Cam Bốt đang đi dây với các nước Trung Cộng và Liên Sô và tuyên bố là Quốc gia độc lập phi liên kết. Với những thái độ chống Mỹ, do đó không thân thiện với Việt Nam Cộng Hòa của Chánh phủ Cam Bốt, nên HQ227 nhiều lúc bị bộ binh Miên trên đảo nổ súng khi chiến hạm hiện diên ngoài khơi các đảo do họ kiểm soát.

Trợ chiến hạm Lê Văn Bình HQ227 (Hình của brownwater-navy.com)

Vào giữa chuyến biệt phái cho vùng 4 duyên hải Phú Quốc, HQ227 được điều động về vùng 4 sông ngòi để tuần tiểu vùng sông Cửu Long từ Mỹ Tho đến Vĩnh Long, chiến hạm thường xuyên tuần tiểu trên các sông Hàm Luông và Cổ Chiên nơi gần các cữa sông có Liên duyên đoàn 34-37 và Duyên đoàn 35 trú đóng.

Chuyến công tác thứ hai của tôi trên HQ227 vào tháng 5 năm 1966, biệt phái cho vung 4 sông ngòi. HQ227 khởi hành khẫn cấp thay thế cho HQ228 sau khi chiến hạm nầy bị Việt Cộng phục kích trên sông Hàm Luông gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như hư hại cho chiến hạm. HQ228 đã bị bắn trúng bằng đại bác không giật 57ly và 75ly tại đài chỉ huy và sân sau của chiến hạm. HQ227 và HQ228 bàn giao công tác tại cầu tàu Vĩnh Long. Hạm trưởng HQ228 lúc nầy là HQ Đại úy Nguyễn Văn Pháp khóa 8.

Trên chiến hạm lúc nầy có thêm HQ Thiếu úy Vũ Trọng Dụng Khóa 14, Sĩ quan đệ tứ, tôi là Sĩ quan đệ ngũ. HQ Trung úy Võ Văn Bảy khóa 11 là Hạm phó thay thế cho Trung úy Khoát thuyên chuyển về đơn vị mới. Thiếu úy cơ khí Đặng Vũ Lợi thay thế Thiếu úy cơ khí Trát làm cơ khí trưởng. HQ227 tiếp tục đảm nhiệm trục tuần tiểu trên sông Hảm Luông và Cổ Chiên.

Vào ngày 20 tháng 6 năm 1966, một tàu Việt Cộng chở vũ khí tiếp tế bị Hải quân Hoa Kỳ phát hiện bắn chìm ngoài khơi Ba Động. Trong khi Hải quân đang tiến hành mò tìm vũ khí trên chiếc tàu Việt Cộng, cũng như chuẩn bị kéo về Vũng Tàu với sự hiện diện của Chỉ huy trưởng Hải quân vùng 3 duyên hải trên HQ225, HQ227 cũng vận chuyển đến khu vưc nầy và Hạm trưởng Giang cũng thu được một số vũ khí như súng trường, súng cá nhân và một số đạn của Liên Sô và Trung Cộng trên chiếc tàu xâm nhập nầy. Nhân viên trên chiến hạm có dịp bắn thử các loại vũ khí trên.

Tàu VC bị bắn chìm tại Ba Động vào tháng 6 năm 1966 ( Hình của U.S. COAST GUARD IN VIETNAM )

Những ngày sau vụ tàu VC bị bắn chìm tại Ba Động. VC phản ứng bằng cách gia tăng phục kích trên sông, nhưng may mắn HQ227 không bị thiệt hại nào trong những lần bị chúng phục kích. Sau đó chiến hạm có Hạm trưởng mới là HQ Trung úy Trần Văn Đáo khóa 9 thay thế Hạm trưởng Giang thuyên chuyển đến đơn vị mới. Về phía Sĩ quan có thêm HQ Thiếu úy Lâm Khã Khanh khóa 15 xuống chiến hạm.

Chuyến công tác thứ ba của tôi trên chiến hạm HQ227 biệt phái tuần tiểu vùng 3 duyên hải vào tháng 9 năm 1966, trục tuần tiểu của chiến hạm từ Vũng Tàu đến cửa Bồ Đề, tuy nhiên chiến hạm thường xuyên hiện diện ngoài khơi các cửa sông của Duyên đoàn 35 và Duyên đoàn 36 để yễm trợ hải pháo cho các đơn vị nầy. Trong khoảng thời gian nầy, các Sĩ quan trên chiến hạm được thưc tập yểm trợ hải pháo nhiều nhất với các khẩu trọng pháo 76ly và 40ly.

Ngày 30 tháng 9 năm 1966, chiến hạm được lệnh đến Duyên đoàn 35 để đưa một phái đoàn lực sĩ của Duyên đoàn về Vũng Tàu dự các giải thể thao nhân Thánh Tồ Hải quân tổ chức tại Vũng Tàu. HQ227 thã neo tại hậu cứ Duyên đoàn 35 lúc 12 giờ đêm, sau khi nhận người từ Duyên Đoàn, chiến hạm khởi hành đi Vĩnh Long vào sáng sớm. Sau khi đi chợ và tiếp tế thực phẩm và nước ngọt, HQ227 khởi hành bằng đường Sông qua ngã Mỹ Tho.


Giang đoàn 21 xung phong tại Mỹ Tho (Hình của flickr.com/photos)

Đến Mỹ Tho, Hạm trưởng Đáo neo tàu tại đây và dự trù khởi hành lúc 4 giờ sáng ra cửa Tiểu lúc nước lớn về Vũng Tàu. Chiều hôm đó, chúng tôi một số Sĩ quan và Hạm trưởng vào bờ bằng chiến đĩnh của Giang đoàn 21 xung phong. Nhân viên không có lệnh rời chiến hạm. Hạm phó và cố vấn Mỹ ở lại tàu vì có lớp dạy anh ngữ cho các nhân viên trên chiến hạm. Sĩ quan trực lúc đó là Thiếu úy cơ khí Lợi cũng ở lại chiến hạm. Khi đang di chuyển vào bờ thì Hạm trưởng Đáo phát hiện một nhân viên của Duyên đoàn 35 quá giang tự tiện xuống tàu nhỏ để vào bờ, Hạm trưởng Đáo không bằng lòng và ra lịnh cho quay trở lại, anh hải thuyền nầy năn nĩ và nêu lý do thăm gia đình, vợ con ở Mỹ Tho nên khiến ông siêu lòng và cho phép anh tiếp tục đi và còn dặn phải có mặt phải có mặt tại cầu tàu lúc 8 giờ tối để trở về chiến hạm.

Thời gian nầy, HQ227 đang sơn mới lại trên boong nên nhiều chổ còn ướt chưa khô nên hạn chế đi lại. Chiến hạm neo bên phải Giang đoàn 21/33 xung phong. Gần đó còn có các LCU và LST cùa Hải quân Mỹ cũng đang thã neo, đèn của các chiến hạm sáng rực như một thành phó nỗi về đêm trên sông. Tiêu lệnh của Hạm trưởng là nhiệm sở vận chuyển lúc 4 giờ sáng.

Trước 4 giờ sáng vài phút ngày 2 tháng 10 năm 1969, một tiếng nỗ lớn làm rung chuyển cã tàu làm cho chiến hạm nghiêng hẳn về một bên. Nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở phòng tai lập tức được thi hành. Chiến hạm được phát giác bị mìn, hai bên hầm máy điện, dây điện còn treo phía sau neo. Hầm máy điện bị ngập nước hoàn toàn, dẫn đến phòng ngũ Hạ sĩ quan bị ngập nước khoảng nữa thước, riêng hầm máy chánh vẫn chưa bị ngập nước. Hạm trưởng liền cho người xuống nước để xem dây điện có còn nối với neo sau lái tau không ? Sau đó xin tàu của Giang đoàn ra giúp. Chiến hạm kéo neo sau lên và được các tàu của Giang đoàn xung phong giúp cập vào cầu tàu của Giang đoàn xung phong tại Mỹ Tho.

Điểm danh lại nhân viên trên chiến hạm được biết nhân viên Hải thuyền của Duyên đoàn 35 quá giang lên bờ vắng mặt. Buổi sáng hôm sau, đài phát thanh của mặt trận giải phóng loan tin là đã đánh chìm chiến hạm HQ227 của Hải quân VNCH tại Mỹ Tho !

Toán người nhái tháo gở chất nổ Hải quân từ Sàigòn xuống Mỹ Tho để thám sát và cho biết không còn mìn hoặc chất nỗ còn xót lại, và Bộ tư lênh hải quân cũng như Bộ tư lệnh hạm đội quyết định cho tàu dòng từ Sàigòn xuống Mỹ Tho để đưa HQ227 về Hải quân cong xưởng qua ngã kinh Chợ Gạo.

Tin tình báo Hải quân sau nầy cho biết, nội tuyến là nhân viên Duyên đoàn 35 mang theo mìn xuống chiến hạm từ Duyên đoàn 35, hắn ta dự tính đánh mìn HQ227 tại Vũng Tàu, nhưng khi đến Mỹ Tho lợi dụng được lên bờ, tên nầy liền liên lạc với cấp trên của hắn, và được lệnh đánh mìn HQ227 tại Mỹ Tho, vì dễ thi hành hơn lúc ở Vũng Tàu.

HQ227 được kéo về Hải quân công xưởng và lập tức được đưa vào thủy thành (ụ nỗi) để điều tra sự việc bị mìn và được giám định phế thải cùng năm 1966. Tôi được thuyên chuyển nhận nhiệm sở mới tại Hải vận hạm Ninh Giang HQ403 vào tháng 11 năm 1966, và là Sĩ quan rời khỏi chiến hạm trước nhất sau vụ HQ227 bị mìn nội tuyến.

Phùng Học Thông

https://dongsongcu.wordpress.com/2016/11/22/hq227-va-toi/


Trich HNPD

No comments: