Sunday, March 18, 2018

Đánh Trung Cộng cho đúng chỗ - Ngô Nhân Dụng




Mỹ là nước nhập cảng nhiều thép nhất. Bình thường, nếu phải mua nhiều thép từ bên ngoài như vậy, thì giá thép càng rẻ thì Mỹ càng mừng, vì mình có lợi! Nhưng thép là một câu chuyện phức tạp, cho nên chính phủ Mỹ lại than phiền!



Năm 2016, số thép sản xuất thặng dư (cao hơn số bán được) lên tới 737 triệu tấn. Giá thép xuống thấp, nhiều công ty thép khắp nơi lo phá sản. Họ kêu cứu với chính phủ, đặc biệt là tại Mỹ, chính phủ Mỹ phản đối Trung Cộng! Cộng Sản Trung Quốc bị tố cáo là thủ phạm gây nên cảnh thép thặng dư! Trung Cộng sản xuất một nửa số thép trên thế giới. Từ khi “đổi mới kinh tế,” họ cho mở nhà máy thép lớn, nhỏ khắp nơi, quốc doanh và tư doanh, bán ngập hoàn cầu.
Trong mấy năm qua, để bảo vệ công nghệ thép của mình, chính phủ các nước đều yêu cầu Trung Cộng phải đóng cửa bớt nhà máy thép. Và Bắc Kinh đã chịu làm, nhưng với tốc độ rất chậm so với yêu cầu.



Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã chỉ trích hàng nhập cảng từ nước Tàu giá rẻ làm cho công nhân Mỹ mất việc; và ông hứa sẽ đánh thuế 45% trên hàng Tàu bán vào nước Mỹ. Hơn một năm qua, mọi người đã quên con số 45% này. Nay Tổng Thống Donald Trump đã quyết định đánh thuế 25% trên hàng thép nhập cảng vào Mỹ (và 10% trên hàng nhôm).



Nhưng nếu ông Trump đánh thuế thép để tấn công Trung Cộng, thì ông đã đánh lầm mục tiêu. Số tiền Mỹ mua thép và nhôm từ Trung Quốc, trong năm 2016 chỉ chiếm 5% tổng số tiền $566 tỷ nhập cảng các món hàng từ bên Tàu. Nếu vì bị thuế cao mà thép Trung Quốc không còn bán qua Mỹ được nữa, thì cũng chỉ giảm được khoảng $28 tỷ trong số $375 tỷ khiếm hụt.
Đánh vô những món khác sẽ thu được nhiều thuế hơn. Tiền nhập cảng quần áo, giầy dép vẫn còn chiếm 8.6%, sau khi đã giảm nhiều vì Mỹ đi mua từ nước khác. Đồ dùng trong nhà, và đồ chơi trẻ em, chiếm 16.5%. Nặng nhất là các loại máy móc và đồ điện tử làm hoặc ráp ở Trung Quốc, tất cả chiếm 48%.

Một nhầm lẫn mục tiêu khác nữa, là đánh thuế trên thép không làm cho kinh tế nước Tàu bị thiệt hại bao nhiêu. Tổng số thép và nhôm xuất cảng ra ngoài chỉ chiếm nửa phần trăm (0.5%) Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc. Số bán sang Mỹ càng nhỏ, cho nên dù có bị Mỹ chặn lại hoàn toàn cũng không gây ảnh hưởng bao nhiêu.
Hơn nữa, chính Cộng Sản Trung Quốc cũng đang cắt số thép họ chế tạo. Riêng trong năm 2017, Trung Quốc đã bớt sản xuất 50 triệu tấn thép, dù mất dưới một triệu tấn bán qua Mỹ cũng không có gì đáng kể. Từ đầu năm 2016, các công ty quốc doanh sẽ cắt giảm 100 triệu tấn thép, và đóng cửa các nhà máy thép nhỏ của tư nhân để bảo vệ môi trường, cắt thêm 120 triệu tấn khác, trong năm năm. Những biện pháp này sẽ làm cho ít nhất 500,000 công nhân mất việc làm.



Vậy muốn tấn công đúng “tử huyệt” của kinh tế Trung Cộng với Mỹ thì nên nhắm vào các lãnh vực nào?
Nếu chỉ nhắm vào ngoại thương, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế hàng điện tử và viễn thông, hai món bán vào Mỹ nhiều với giá cao hơn cả. Bớt nhập cảng những món đó sẽ giảm bớt số khiếm hụt nhiều hơn.



Vì vậy, trong tuần qua, chính phủ Mỹ đã chuẩn bị một danh sách các món hàng nhập cảng mua từ bên Tàu để tăng thuế nhập cảng, trị giá tổng cộng $60 tỷ.Trong số đó có các món về điện tử, tin học, viễn thông, và một số hàng tiêu thụ.
Nhưng con số $60 tỷ này quá khiêm tốn, chỉ bằng 11% tổng số tiền nhập cảng hàng Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh phải đưa ra một chương trình giảm bớt $100 tỷ trong số khiếm hụt $375 tỷ năm 2017. Nếu chính phủ Mỹ thúc đẩy mạnh cho đòi hỏi này bằng những biện pháp trừng phạt bằng thuế khóa, thì chiến tranh thương mại khó tránh khỏi; và cả hai bên đều thiệt hại. Cho nên hai bên sẽ chỉ dò nhau từng bước!



Ngoài lãnh vực thương mại, chính phủ Mỹ có thể tấn công kinh tế Bắc Kinh trên mặt trận “quyền sở hữu trí tuệ,” tức là các bản quyền, bằng sáng chế của nước Mỹ.
Một nước tiến bộ về kinh tế thì chuyển từ việc dùng bắp thịt và máy móc qua các hoạt động dùng đầu óc. Số tiền thế giới chi vào các hàng hóa cụ thể năm 1970 chiếm 50% tổng số chi, đến năm 2015 chỉ còn chiếm 20%. Tiền kiếm được nhiều nhất là các dịch vụ, trong đó có việc bán các sản phẩm trí tuệ. Công ty Apple làm giàu nhờ những sáng chế chất đầy trong mỗi chiếc điện thoại cầm tay, còn công việc chế tạo, lắp ráp cái máy giá trị nhỏ hơn nhiều. Ngay khi bán một “hàng hóa,” như một chiếc xe hơi, trong chiếc xe đó cũng có những “bản quyền” sáng chế của biết bao nhiêu bộ phận điện tử.
Mỗi năm các công ty Mỹ đã bị “mất cắp” từ $200 tỷ đến $600 tỷ tiền bản quyền các sản phẩm trí tuệ (so với $30 tỷ khiếm hụt vì nhập cảng thép và nhôm). Muốn giảm bớt khiếm hụt mậu dịch, chính phủ Mỹ có thể tấn công Trung Cộng trên mặt trận này.



Hiện nay Trung Cộng tìm cách cưỡng ép các xí nghiệp ngoại quốc phải “cho không” các sản phẩm trí tuệ. Họ buộc các công ty đầu tư sản xuất ở nước Tàu phải “chung vốn” với các công ty bản xứ, dùng đó làm một phương tiện chuyển các hiểu biết kỹ thuật sang cho người Trung Hoa. Mục đích của họ là giúp các xí nghiệp Trung Quốc “đốt giai đoạn,” có ngay các kỹ thuật mới mà không cần đầu tư, nghiên cứu, thí nghiệm.
Đây là một mặt trận quốc tế, vì các nước Châu Âu và Nhật Bản, Nam Hàn, cũng là nạn nhân của chính sách “bóc lột trí tuệ” này. Cuối năm ngoái chính phủ Mỹ cùng Nhật Bản và các nước Châu Âu đã thỏa hiệp lập một liên minh chống Trung Cộng trên mặt trận bảo vệ sản phẩm trí tuệ. Nhưng Tổng Thống Trump là người không tin tưởng vào sự hợp tác với các nước đồng minh, ông muốn “một mình một ngựa” tả xung hữu đột hơn. Ông cũng không tin tưởng vào các định chế quốc tế. Ông đã lớn tiếng tố cáo WTO chỉ làm hại nước Mỹ, trong khi chính nhờ nước Mỹ đã liên tiếp thúc đẩy nên tổ chức này mới ra đời.
Chính phủ Obama, trước khi hết nhiệm vụ, đã khởi tố Trung Cộng trước WTO về hành động trợ cấp việc sản xuất nhôm để bán giá rẻ. Từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ không chú ý đến vụ kiện nữa, vì vị tổng thống mới muốn dùng thứ vũ khí mới, ngoài khuôn khổ của WTO.



Khi chính phủ Mỹ đánh thuế nhập cảng thép và nhôm, thì chính những nước đồng minh với Mỹ như ở Châu Âu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Trung Cộng. Tình trạng tranh chấp sẽ khiến liên minh hợp tác chống Trung Cộng để bảo vệ sản phẩm trí tuệ bị yếu đi.



Trong năm qua, Tổng Thống Trump lơ là mặt trận mậu dịch đối với Trung Cộng. Ông đã quên suất thuế 45%, quên việc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Gần đây ông mới tấn công một đòn, là đánh thuế nhập cảng thép, nhôm. Nhưng ông nhắm đánh không đúng chỗ.
Có thể coi là ông Trump đã nhượng bộ Tập Cận Bình vì muốn nhờ Bắc Kinh giúp đối phó với Bắc Hàn. Nếu bây giờ ông Trump có thể nói chuyện trực tiếp với Kim Jong Un, thì chắc ông không cần Tập Cận Bình đóng vai đòn bẩy nữa. Tổng Thống Donald Trump có thể bắt đầu một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn trên mặt kinh tế. Bên cạnh ông Trump bây giờ lại có nhiều người “diều hâu kinh tế” hơn, có lẽ ông đang bắt đầu chuyển hướng. 



Ngô Nhân Dụng


No comments: